Nhà Trắng thừa nhận Tổng thống Trump đòi hỏi Ukraine 'có qua có lại'

18/10/2019 10:24 GMT+7

Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng thừa nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng gói viện trợ quân sự cho Ukraine để buộc Kiev tiến hành cuộc điều tra một vấn đề có liên quan đến chính trường Mỹ và đảng Dân chủ.

Quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney thừa nhận Tổng thống đề cập đến gọi viện trợ để gây áp lực, buộc Kiev điều tra cáo buộc cho rằng Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) đã giấu máy chủ (server) ở Ukraine để ngụy tạo bằng chứng Nga giúp ông Trump đắc cử hồi 2016, theo AFP.
Tổng thống Trump không muốn phê duyệt gói viện trợ quân sự 400 triệu USD cho Ukraine bởi vì đất nước này tham nhũng nghiêm trọng, ông Mulvaney nói trong buổi họp báo ngày 17.10.
"Liệu ông Trump có đề cập với tôi về cáo buộc tham nhũng liên quan đến máy chủ của DNC? Chắc chắn là có. Đó là lý do chúng tôi đóng băng khoản viện trợ", ông Mulvaney cho biết.
Một phóng viên trong buổi họp báo đã hỏi lại: "Để cho rõ, những gì ông vừa mô tả là hành động 'có qua có lại'. Tức là sẽ không có viện trợ nếu như không có cuộc điều tra về máy chủ của đảng Dân chủ". Ông Mulvaney xác nhận: "Về chính sách ngoại giao thì chúng tôi làm như vậy suốt".
Tuy nhiên, vài giờ sau đó, ông Mulvaney lại đưa ra phát biểu đính chính. "Tôi xin nói rõ là hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa gói viện trợ quân sự Ukraine và cuộc điều tra nghi án Nga can dự bầu cử năm 2016. Tổng thống chưa bao giờ yêu cầu tôi đóng băng khoản viện trợ cho đến khi Ukraine có động thái cụ thể với máy chủ của DNC", ông Mulvaney lưu ý.

Cáo buộc mới liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump

Tuy nhiên, lời thú nhận ban đầu của ông được cho là đã tiếp thêm sức nặng cho cuộc điều tra luận tội của phe đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ, củng cố cáo buộc cho rằng Tổng thống Trump lạm quyền, vi phạm hiến pháp và luật bầu cử.
"Mulvaney vừa nói gói viện trợ quân sự bị đình chỉ vì cuộc điều tra đảng Dân chủ ở Ukraine", ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, người đứng đầu cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump, bình luận trên Twitter.
Tuy nhiên, Mulvaney khẳng định ông Trump không làm điều gì sai trái mà xem đó là sự hỗ trợ cho Bộ Tư pháp trong cuộc điều tra nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Ông Mulvaney đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng Tổng thống Trump cũng dùng gói viện trợ quân sự để gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine phải điều tra những sai phạm của các đối thủ đảng Dân chủ, bao gồm cựu phó tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden, trước thềm cuộc bầu cử năm 2020. "Số tiền viện trợ bị chặn lại hoàn toàn không liên quan gì đến Biden", ông Mulvaney nói.

[VIDEO] Rắc rối ngoại giao lớn cho tổng thống Ukraine vì cuộc điện đàm với ông Trump

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry ngày 17.10 từ chức giữa lúc bị gây áp lực buộc phải cung cấp tài liệu phục vụ cuộc điều tra luận tội. Ông Perry thừa nhận đã làm theo lệnh của Tổng thống Trump, liên hệ với luật sự riêng của chủ nhân Nhà Trắng, Rudy Giuliani để thảo luận về việc tiến hành điều tra cáo buộc tham nhũng nhắm vào phe Dân chủ ở Ukraine.
Các nghị sĩ ở Hạ viện Mỹ hồi tuần rồi yêu cầu ông Perry phải cung cấp tất cả hồ sơ liên quan đến những giàn xếp, hoạt động của ông với phía Ukraine, hạn chót là hôm nay (18.10). Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết từ nhiều tháng trước Perry đã trình bày với ông về kế hoạch "từ chức vào cuối năm nay".
Ngoài ra, trong văn bản trình lên Hạ viện, ông Gordon Sondland, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu, thừa nhận ông Trump đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao tạo điều kiện cho luật sư Giuliani gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Sondland khẳng định luật sư Giuliani đóng vai trò "sứ giả" chuyển tải thông điệp cho Tổng thống Trump. "Lẽ ra những quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phải làm công việc này, không phải là luật sư cá nhân của Tổng thống", ông Sondland lưu ý.

[VIDEO] Nhà Trắng từ chối hợp tác điều tra luận tội ông Trump

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.