Nhà Trắng bác bỏ nghi ngờ trao đổi tù nhân trong vụ thả 'công chúa' Huawei

28/09/2021 19:19 GMT+7

Nhà Trắng ngày 27.9 tuyên bố việc Canada thả Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu và Trung Quốc thả 2 công dân Canada ngay sau đó không phải là một vụ trao đổi tù nhân.

Reuters đưa tin Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27.9 đã bác bỏ khi được hỏi liệu Nhà Trắng có sắp xếp thỏa thuận “trao đổi tù nhân” trong vụ thả Giám đốc tài chính của công ty Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu hay không.

Bà Psaki cũng chỉ ra rằng thỏa thuận hoãn truy tố giữa bà Mạnh và các công tố viên là “hành động của Bộ Tư pháp. Đây là vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật. Không có mối liên hệ nào giữa hai vụ thả người".

Ngày 24.9, bà Mạnh Vãn Châu đã bay từ Canada về Trung Quốc sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ. Việc bà Mạnh bị bắt là một vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung trong suốt thời gian qua.

'Công chúa Huawei' được trải thảm đỏ đón chào như người hùng khi trở về Trung Quốc

Trong vòng vài giờ sau khi có tin về thỏa thuận của bà Mạnh và phía Mỹ, hai người Canada bị Trung Quốc bắt ngay sau khi bà Mạnh bị Canada tạm giữ đã được thả và trở về nước. Bắc Kinh đã phủ nhận hai vụ bắt giữ này có liên quan đến nhau.

Tuy phủ nhận việc trao đổi tù nhân, bà Psaki cũng xác nhận rằng trong cuộc điện đàm ngày 9.9 với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến bà Mạnh. Ông Biden cũng thúc ép Bắc Kinh trả tự do cho hai công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig.

"Hai nhà lãnh đạo đã nhắc đến vụ việc của những cá nhân này nhưng họ không thương lượng gì về việc thả họ ra", bà Psaki nói thêm. Thư ký báo chí Nhà Trắng Psaki cũng nói không có thông tin về việc liệu Tổng thống Biden có biết về tình hình đàm phán giữa luật sư của bà Mạnh và Bộ Tư pháp Mỹ hay không.

Vào năm 2018, bà Mạnh bị bắt tại Sân bay Quốc tế Vancouver ở Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Bà bị truy tố vì đã đánh lừa HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei ở Iran vào năm 2013.

Việc bắt giữ bà Mạnh là tâm điểm của mối bất hòa trong mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần cho biết Mỹ cần hủy bỏ truy tố để chấm dứt bế tắc ngoại giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.