Nguy cơ trí nhớ con người bị thao túng

Khánh An
Khánh An
03/11/2018 08:29 GMT+7

Các chuyên gia lo ngại não người bị kiểm soát, đánh cắp thông tin, thậm chí bị “khóa bộ nhớ” để tống tiền trong tương lai.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học, việc nghiên cứu các thiết bị cấy ghép vào não, mã hóa bộ nhớ đang có bước tiến lớn được ứng dụng trong y học để điều trị nhiều căn bệnh liên quan đến chức năng thần kinh như Parkinson hay động kinh. Tuy nhiên, song song với khả năng cải thiện sức khỏe con người, công nghệ mới đang dẫn đến nhiều lo ngại về việc bị lạm dụng khiến não người trở thành mục tiêu mới của tin tặc.
Theo Đài RT, việc cấy ghép thiết bị đơn giản vào não đang được ứng dụng trong y học như kỹ thuật kích thích não sâu (DBS), cho thấy nhân loại đang sắp nắm bắt khả năng kiểm soát não bộ. Phẫu thuật DBS điều trị Parkinson và một số rối loạn vận động khi đưa một điện cực vào các cấu trúc sâu trong não, được nối bằng dây dẫn đến máy tạo nhịp đặt trong ngực. Khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, từ đó tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh.
Nguy cơ trí nhớ con người bị thao túng1
Hình ảnh điện cực được cấy ghép vào mô hình não bộ Ảnh: Reuters
Phức tạp hơn, nghiên cứu do Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA - thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) tài trợ, công bố hồi tháng 3 cho thấy khoa học có thể thực hiện kỹ thuật giúp tăng cường trí nhớ con người đến 37%. “Đây là lần đầu tiên giới khoa học có thể xác định mã của tế bào thần kinh ghi nhớ và thực sự viết lại để bộ nhớ hoạt động tốt hơn”, tiến sĩ Robert Hampson thuộc Trung tâm y khoa Wake Forest (Mỹ), tác giả nghiên cứu, cho hay.
Trước thành tựu này, các chuyên gia tại Công ty an ninh mạng Kaspersky Labs (Nga) dự báo về khả năng kiểm soát bộ nhớ của con người, đồng thời cảnh báo những hậu quả khó lường. Theo báo cáo của Kaspersky Labs, trong vòng 5 năm tới, giới khoa học có thể ghi nhận và mã hóa tín hiệu thần kinh ghi nhớ để kích thích hoặc điều chỉnh trước khi đặt trở lại não bộ. Dự báo 10 năm tới, việc cấy ghép thiết bị giúp tăng cường trí nhớ sẽ được thương mại hóa và 20 năm tới, công nghệ tiến bộ đến mức cho phép kiểm soát toàn bộ trí nhớ. “Lợi ích trong chăm sóc sức khỏe là rất lớn. Tuy nhiên, công nghệ khi được ứng dụng thì cũng sẽ dễ bị lạm dụng”, Kaspersky Labs cảnh báo.
Cụ thể, một khi xảy ra sự cố về chính trị hay xung đột, các thế lực đối đầu có thể thao túng nhiều người thông qua việc cấy ghép hoặc xóa trí nhớ. Tin tặc cũng có thể phá hoại để trộm cắp thông tin nhạy cảm từ những nhân vật quan trọng, hoặc đơn giản là xóa hay khóa bộ nhớ để tống tiền. Báo cáo cũng nhận định giai đoạn dễ bị tấn công nhất là lúc thiết bị cấy ghép trong não được kết nối với các hệ thống, chẳng hạn như thiết bị y tế để các bác sĩ theo dõi. Dữ liệu được truyền trên mạng chủ yếu dùng bluetooth sẽ trở thành mục tiêu quá dễ dàng cho tin tặc, theo Kaspersky Labs. “Mọi việc cấy ghép bộ nhớ sẽ có một cổng sau để các chuyên gia y tế truy cập lúc khẩn cấp. Có gì để đảm bảo rằng sẽ không có chuyên gia bán trí nhớ của bệnh nhân VIP cho kẻ xấu”, báo cáo nhấn mạnh.
Siêu máy tính mô phỏng não người
Nguy cơ trí nhớ con người bị thao túng2
Ảnh: Đại học Manchester
Các nhà khoa học tại Đại học Manchester (Anh) hôm qua vừa bật nguồn lần đầu đối với siêu máy tính mô phỏng hoạt động não người. Với tên gọi SpiNNaker (ảnh), máy tính chứa 1 triệu nhân xử lý, có khả năng thực hiện 200.000 tỉ hoạt động trong một giây, mô phỏng số lượng tế bào thần kinh nhiều nhất trên thế giới. Dự án trị giá 15 triệu bảng Anh (454 tỉ đồng) hình thành ý tưởng từ 20 năm trước và được tiến hành từ năm 2006.
Theo Giáo sư Steve Furber, người đưa ra ý tưởng của dự án, SpiNNaker không giống với các máy vi tính truyền thống vốn gửi một lượng thông tin lớn từ điểm A đến điểm B, nó giống hoạt động của não người hơn khi gửi hàng tỉ lượng thông tin nhỏ cùng lúc đến hàng ngàn điểm tiếp nhận. Siêu máy tính mới giúp các nhà khoa học thần kinh hiểu rõ hơn về hoạt động của não người. Thậm chí nó có thể mô phỏng vùng não bộ bị tác động bởi bệnh Parkinson, hứa hẹn tạo nhiều đột phát về y học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.