Nguy cơ chiến sự Armenia - Azerbaijan lan rộng

Bảo Vinh
Bảo Vinh
30/09/2020 06:32 GMT+7

Giao tranh giữa lực lượng ly khai người Armenia và quân chính phủ Azerbaijan đang leo thang nhanh chóng làm dấy lên lo ngại có thể dẫn đến cuộc chiến tranh toàn diện kéo theo nhiều bên tham chiến.

Đấu pháo qua lại

Xung đột giữa lực lượng ly khai người Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh và quân đội Azerbaijan hôm qua tiếp diễn, khiến con số thương vong gia tăng. Lực lượng ly khai sáng 29.9 thông báo có thêm 26 binh sĩ thiệt mạng, nâng số thương vong từ khi xung đột bùng phát vào ngày 27.9 lên thành 84 người. Azerbaijan không công bố thương vong nhưng Tổng thống Ilham Aliyev hôm qua cho biết tổng cộng 10 dân thường thiệt mạng từ khi giao tranh nổ ra, theo Reuters. Phe ly khai nói con số thương vong của quân đội Azerbaijan lên đến hàng trăm lính.

Chiến sự Armenia - Azerbaijan: vũ khí hạng nặng tham chiến

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tố cáo lực lượng ở Nagorno-Karabakh tìm cách chiếm lại các khu vực bị mất quyền kiểm soát khi tấn công vào các thành phố như Fizuli, Jabrayil, Agdere và Terter. Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ nằm trong Azerbaijan nhưng do người Armenia kiểm soát. Vùng này tuyên bố tách khỏi Azerbaijan nhưng không được Baku lẫn cộng đồng quốc tế công nhận. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, giao tranh vẫn tiếp diễn với các đợt bùng phát gần nhất vào năm 2016 và hồi tháng 7.2020. Nagorno-Karabakh gần như dựa hoàn toàn vào nguồn viện trợ từ Armenia.
Hôm qua, Azerbaijan cáo buộc quân đội Armenia can thiệp khi pháo kích vùng Dashkesan, cách xa Nagorno-Karabakh. Phía Armenia bác bỏ cáo buộc này và tố ngược quân đội Azerbaijan dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công căn cứ quân sự tại thị trấn Vardenis nằm sâu trong lãnh thổ Armenia, làm một chiếc xe buýt bốc cháy khiến một dân thường thiệt mạng.

Chiến tranh chực chờ

Xung đột có nguy cơ lan rộng khi Armenia cảnh báo sẽ triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander đến Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ đưa chiến đấu cơ F-16 đến hỗ trợ Azerbaijan. Tổng thống Armenia Armen Sarkissian cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ can dự trực tiếp vào xung đột khi đưa UAV, lính đánh thuê và chiến đấu cơ F-16 hỗ trợ Azerbaijan. Đến tối qua, Bộ Quốc phòng Armenia tố cáo chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ từ Azerbaijan bắn rơi cường kích Su-25 của Armenia, khiến phi công thiệt mạng. Phía Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó phủ nhận thông tin này. Tờ The Guardian loan tin Thổ Nhĩ Kỳ đang chiêu mộ binh lính tại Syria để đưa sang hỗ trợ Azerbaijan nhưng chính quyền Baku bác bỏ thông tin này. Nghị sĩ Lilit Makunts thuộc liên minh cầm quyền tại Armenia hôm qua tuyên bố nước này đang cân nhắc việc ký thỏa thuận liên minh chính trị - quân sự với vùng Nagorno-Karabakh trong khi Thủ tướng Nikol Pashinyan trước đó đề cập khả năng công nhận quyền độc lập của Nagorno-Karabakh, theo TASS.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan "lôi cuốn" các cường quốc

Mặt khác, cuộc chiến tranh toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan nếu bùng phát có thể kéo theo sự can dự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga dẫn đầu Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và có nghĩa vụ bảo vệ Armenia trong trường hợp Yerevan bị tấn công, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận của Azerbaijan. AFP ngày 29.9 dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Armenia chấm dứt chiếm giữ Nagorno-Karabakh và kêu gọi Azerbaijan kiểm soát tình hình. Trong khi đó, phát ngôn viên tổng thống Nga Dmitry Peskov nói Moscow đang theo dõi sát sao tình hình và cho rằng ưu tiên lúc này là chấm dứt thù địch, không phải phán xét ai đúng, ai sai.
Nhiều nước châu Âu đã kêu gọi các bên kiềm chế. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua điện đàm với lãnh đạo 2 nước và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Nagorno-Karabakh. Theo dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp kín về tình hình căng thẳng tại vùng Caucasus vào sáng 30.9 (giờ Việt Nam). AFP dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết các bên có thể sẽ ra tuyên bố chung sau cuộc họp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.