Nguy cơ bất ổn từ những 'quyền lực toàn cầu'

Các nhà lãnh đạo Á - Phi đã bày tỏ quan ngại về những hệ lụy đối với khu vực và thế giới xuất phát từ việc các “quyền lực toàn cầu” áp đặt ý chí thông qua sức mạnh của mình.

Các nhà lãnh đạo Á - Phi đã bày tỏ quan ngại về những hệ lụy đối với khu vực và thế giới xuất phát từ việc các “quyền lực toàn cầu” áp đặt ý chí thông qua sức mạnh của mình.

Nguy cơ bất ổn  từ những 'quyền lực toàn cầu'Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) bên lề Hội nghị Cấp cao Á - Phi - Ảnh: AFP
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại các nguyên tắc của Hội nghị Bandung 1955 “giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình” và “không xâm lược, đe dọa xâm lược” trong bài phát biểu của mình tại Hội cấp cao Á - Phi 2015 (22 - 24.4 tại Jakarta, Indonesia), người ta có thể thấy rõ ông đang hướng sự chú ý của công luận đến những hành động quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và biển Đông trong thời gian qua.
Nhật Bản cam kết duy trì ODA cao cho Việt Nam
Trao đổi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam ở mức cao, hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ vào VN. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nhắc lại “sự thông thái của các vị tiền bối” tại Hội nghị Bandung 1955, trong đó có nguyên tắc luật pháp cần phải “bảo vệ phẩm giá của các quốc gia có chủ quyền cho dù họ là nước lớn hay nước nhỏ”, ông Abe khẳng định quyết tâm của Nhật Bản trong việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và “không bao giờ cho phép việc kẻ mạnh dùng vũ lực để ép buộc kẻ yếu mà không bị ngăn cản”.
Chia sẻ quan điểm của ông Abe, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina khẳng định sự phát triển và ổn định sẽ không thể có được nếu không có các điều kiện tiên quyết là hòa bình và an ninh. Theo bà Sheikh Hasina, tình trạng an ninh bất ổn của một số khu vực cũng như toàn cầu, cùng với đó là chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực tiếp tục thách thức sự phát triển cũng như những nỗ lực hướng tới hòa bình và thịnh vượng của các quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tố cáo một số quyền lực quốc tế đã cung cấp tài chính cũng như thông tin tình báo cho những kẻ quá khích cực đoan.
Cần cải cách ở Liên Hiệp Quốc
Tại hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo phê phán rằng việc một nhóm các quốc gia giàu có cho rằng có thể thay đổi thế giới bằng cách sử dụng vũ lực sẽ chỉ đem lại sự khốn cùng. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc dường như bất lực trước vấn đề này.
Theo ông Widodo, việc sử dụng vũ lực đơn phương ngoài yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đã làm suy yếu sự tồn tại của tổ chức. Do đó, đối với các quốc gia Á - Phi, đòi hỏi cải cách LHQ để cơ quan này có thể hoạt động tốt hơn và đảm bảo công lý là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Đề nghị Indonesia đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam
Hôm qua 23.4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục tham dự các phiên toàn thể và Phiên bế mạc của Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015; tiếp xúc song phương với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia.
Hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò tích cực của Indonesia trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục châu Á và châu Phi trên các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế và xã hội. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ hài lòng trước đà tăng trưởng của kim ngạch thương mại song phương trong thời gian qua, đạt 5,4 tỉ USD (2014), nhất trí cùng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy để đưa kim ngạch lên mức 10 tỉ USD (2018).
Chủ tịch nước đề nghị phía Indonesia đối xử với ngư dân VN bị bắt giữ trên tinh thần nhân đạo và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước. Đồng thời, VN cũng đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho ngư dân về việc tôn trọng vùng biển của Indonesia.
Về vấn đề biển Đông, hai vị lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không làm thay đổi nguyên trạng, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng, sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Cùng ngày, Chủ tịch nước tiếp, gặp gỡ và trao đổi với Thủ tướng Ai Cập Ibrahim Mahlab, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, Phó thủ tướng Hàn Quốc Hwang Woo-yea, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.