Phở Việt xứ Hàn

25/08/2007 19:10 GMT+7

Ngày đầu đến Seoul, đang loay hoay tìm chỗ đổi tiền thì bắt gặp một quán ăn với hàng chữ Phở Hòa - Vietnamese Noodle Soup, tôi mừng húm vì nghĩ có thể gặp được đồng hương để hỏi đường. Nhưng bước vào quán thì chỉ thấy toàn nhân viên người Hàn...

Phở Hòa là thương hiệu phở đầu tiên tôi bắt gặp ở Seoul. Bình thường những bữa ăn bình dân ở Seoul độ chừng từ 3 - 5 ngàn won (khoảng 50.000 - 90.000 đồng), còn những món như thịt ba chỉ nướng, gà hầm sâm... tạm gọi là "ăn chơi" thì phải 9 ngàn won trở lên. Phở Hòa giá từ 7 - 9 ngàn won (khoảng 120.000 - 160.000 đồng) một tô, cũng tạm xem là món "nhâm nhi" ở xứ này vậy.

Tô phở với màu nước dùng nguyên chất đỏ nâu, kèm theo vài miếng nạm được xắt vuông vức, mỏng tang, không một chút hành hoa, trông như tô phở của em bé không ăn được hành. Cũng không có húng quế kèm thêm, mà "phụ liệu" chỉ có ớt xanh, rau giá Hàn dài nghều và... hành tây chua. Tôi cầm muỗng thử một chút nước dùng thì thấy ngay một thiếu vắng rất trầm trọng: mùi hương hoa hồi trong nước phở.

Lần thứ hai tôi thử món phở là tại một quán ăn ở lầu hai của một tòa nhà ở Seoul với thương hiệu là phở Bay. Tôi cũng được biết phở Hòa, phở Bay là những thương hiệu phở Việt chính ở Seoul. Ngồi trong quán phở Bay, một chút cảm giác khác là nghe những thực khách người Hàn quanh đó bàn luận loáng thoáng về Việt Nam. Còn giá cả thì cũng tương tự, màu sắc tương tự, hương vị tương tự, mà cái thiếu vắng cũng tương tự - húng quế, mùi hương hoa hồi...

Hồi còn là học sinh phổ thông, tôi sống ở Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) - lúc ấy là một thị xã tỉnh lẻ nằm bên bờ biển chứ chưa gọi là thành phố như bây giờ. Tuy Hòa không phải là đất phở nên tôi cũng không thuộc lắm về tinh hoa của phở. Chỉ nhớ phở Tuy Hòa ngày ấy có phở Nam và phở Bắc. Phở Bắc dùng bánh phở tươi, còn phở Nam dùng bánh phở khô, trên bàn ăn có hũ... hành chua. Ngày ấy, tôi đã thích phở Bắc với mùi hương hoa hồi, vì mỗi tô phở đều có củ hành sống vừa giòn vừa ngọt kèm theo, và đâu đó trong tô phở là một miếng thịt bò vừa nạc vừa gân, vừa thơm lại vừa giòn tan nơi đầu lưỡi. Nhưng nhớ nhất là những ngày cuối đông trời lạnh ở miền Trung, chạy ra quán ngồi co ro chờ một tô phở nóng hổi nghi ngút khói, lúc đó thì không có gì thích bằng.

Sau này vào Sài Gòn, hay ăn phở đêm mà quen luôn anh hàng phở. Lúc rỗi rãi nghe anh kể về  "hành trình" gia đình, họ hàng nhà anh đi từ Hà Nội vào Buôn Mê Thuột, xuống Bình Dương, rồi vào TP.HCM lập nghiệp đều từ quán phở. Bây giờ TP.HCM có nhiều thương hiệu phở như Phở 2000, Phở 24, Phở Hoa Hồi... Những tô phở này to, đầy ắp thịt như một bữa ăn chính chứ không phải loại tô phở vừa ăn như một món nhâm nhi mà người Bắc vẫn hay gọi là quà sáng. Hương vị đặc trưng của phở Việt cũng bớt đi, thay vào đó là một khẩu vị đủ chiều lòng mọi thực khách. Văn hóa tinh túy của phở ở những thương hiệu này trở nên khiêm tốn, nhường chỗ cho văn hóa ẩm thực mang tính đại chúng hơn.

Qua đất Hàn Quốc này, tôi biết thêm mỗi người Hàn khi nhắc đến Việt Nam là nhắc đến hai thứ quốc hồn quốc túy: áo dài và phở. Nhưng nhai miếng nạm của tô phở Việt nơi đất Hàn xam xảm nơi đầu lưỡi tôi mới thấy nhớ miếng nạm ngọt mềm của tô phở Việt. Rồi cái món thịt bò tái nữa. Người bán phở Việt Nam hay dùng sống dao để dần cho miếng thịt bò mềm đi, đủ chín tái trong cái nóng nghi ngút của nước dùng phở mà thịt vẫn ngọt, vẫn mềm. Rồi văn hóa phở Việt qua đất Hàn cũng có vài "dị bản". Trong những loại "phở" khác của nhà hàng tôi thấy tô phở có cả tôm, mực, hải sản... trông gần giống món lẩu Thái.  

Một hôm đi đến Ansan - một khu lân cận Seoul có đông người Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines... sinh sống, đang lúc đói thì thấy một bảng hiệu có dòng chữ Phở truyền thống Việt Nam, thế là tôi tấp vào ngay. Nhưng lúc ngồi xuống bàn, tôi mới biết mình đói tối mắt tối mũi không chịu cẩn thận phân biệt. Thì ra đây là một quán ăn Thái Lan. Cô chủ quán hỏi tôi dùng món Thái, món Việt hay... món Campuchia. Người Thái "năng động" thật. Tôi từng nghe chuyện những chai nước mắm nhãn hiệu Phú Quốc trong những siêu thị ở nước ngoài là của người Thái. Nay ngồi ăn một tô "phở truyền thống Việt Nam" do người Thái nấu thì tôi càng "chịu" cái tính "nhanh nhảu" trên thương trường của người Thái. Nước phở là một thứ gì đó gần giống như... nước canh, thịt là một món gì đó tròn tròn không phải là bò viên nhưng cũng không chắc là... chả cá. "Tiến bộ" một chút là tô phở được kèm theo hai nhánh rau húng quế. Nhưng trong trong tô phở tôi nhận ra có thêm thì là, rau cần và cả... rau muống.

Lúc đó có một đôi trai gái vào quán gọi hai tô phở, linh cảm rằng đó là hai bạn người Việt nên tôi bước sang chủ động bắt chuyện. Không khách sáo, chàng trai nói sẵng: "Anh ra kia sẽ gặp người Việt khác, bọn em đang bận". Không ngờ tô phở trong quán Thái lại cho tôi nỗi uất nghẹn về tình đồng hương như thế. Sau này tìm hiểu, tôi biết rằng người lao động Việt Nam trên đất Hàn làm việc cả tuần rất vất vả nên họ rất quý ngày chủ nhật, những bạn trẻ đang yêu càng quý thời giờ dành cho nhau hơn. Món phở trên đất Hàn với tôi giờ đây đã gắn liền tâm tư về nỗi vất vả của người lao động tha hương nơi đất khách, nên sự thiếu tế nhị của chàng trai ấy là một chút gì đó nhoi nhói, vừa giận... vừa thương!

Quang Thi (từ Seoul)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.