Những thế hệ Việt Kiều ở Liban

27/12/2003 20:53 GMT+7

Theo lời anh chị em Việt kiều kể lại, thì đời sống của họ ở Liban không đến nỗi khó khăn. Liban cũng là một quốc gia ở Trung Đông nhưng... không có sa mạc. Đất nước này được mệnh danh là "vườn rau, vườn trái cây" của cả vùng với những loại trái cây to và ngon hơn ở mình! Khí hậu Địa Trung Hải nên Beyrouth (Liban) luôn luôn là nơi nghỉ mát của cả khu vực.

“Bẩm sứ thần đại quan, con cũng là người An Nam”...

Ngay sau lễ mừng chiến thắng tháng 5/1975, tôi nhận lệnh sang công tác tại Syrie. Một sáng chủ nhật, chuông cổng đại sứ quán réo lên hai hồi ngắn. Quen với việc bạn bè địa phương thường xuyên tìm đến chúc mừng "đại thắng mùa xuân" của ta, chúng tôi đã chuẩn bị phòng khách, nước nôi từ rất sớm.

Một cán bộ sứ quán vội vàng ra mở cổng đón khách. Một cụ già đầu bạc trắng, mặc complet nghiêm chỉnh bước vào, chắp tay cung kính vái chào: "Bẩm sứ thần đại quan, con cũng là người An Nam đây". Chúng tôi vội vàng đỡ cụ dậy và lễ phép giải thích để cụ đừng xưng hô như thế, và để cụ gọi cho đúng là Việt Nam.

Cụ vẫn giữ một thái độ khép nép và trong khi nói chuyện, cụ thường phải "chêm" thêm tiếng Pháp. Tên cụ là Huề, đã ngoài 80 tuổi, quê ở Nam Định, bị bắt đi "lính thợ" cho Pháp từ hồi "cát-to đít-duýt" (1914-1918, tức Đại chiến thế giới lần thứ I). Rời khỏi đời lính, cụ cư trú ở tỉnh Lion và lấy một "bà vợ đầm" - một phụ nữ lao động nghèo người Pháp. Đời sống quá khó khăn nên hai vợ chồng và mấy đứa con trôi dạt sang Liban, một thuộc địa của Pháp ở Trung Đông.

Nhờ đức tính chịu thương chịu khó nên sau mấy năm mở cửa hàng ăn, đến năm 1975 cụ đã làm chủ hai restaurant khá lớn ở thủ đô Beyrouth. Cụ tìm đến sứ quán chỉ với một mục đích: xin được về Việt Nam để... được chết tại quê hương. Chúng tôi đã tìm mọi cách để báo về, nhưng ngày ấy việc tìm ra quê quán của cụ với những cái tên làng, tên tổng... từ hơn nửa thế kỷ trước là việc rất khó khăn.

Sau đó chừng một tháng, nghe tin cụ đã mất, không kịp thực hiện nguyện vọng cuối đời của mình. Chúng tôi cũng rất ân hận, tuy đã cố gắng đến mức cao nhất, nhưng không thể làm được gì hơn. Tại một nghĩa trang ở ngoại ô Beyrouth, ngoài cụ Huề, còn có 8 mộ chí ghi tên người Việt Nam, và đều ở độ tuổi tương tự...

“Hôm nay moa có khách”

Hai mươi mốt năm sau - năm 1996 - tôi trở lại Syrie trình thư ủy nhiệm, nhưng chỉ là đại sứ kiêm nhiệm vì trụ sở sứ quán đóng tại Ai Cập. Biết tin ở Liban có 28 người Việt Nam sang theo con đường lao động xuất khẩu nhưng đã ở lại định cư (vì công ty xuất khẩu lao động đó... phá sản).

Phải mấy tháng sau sứ quán mới có điều kiện cử một bí thư và một nhân viên bay sang Liban tìm hiểu, và kế đó anh chị em Việt kiều ở Liban góp tiền cho 2 người bay sang Cairo để chào sứ quán và xin gia hạn hộ chiếu. Nhờ đó, chúng tôi mới biết được chi tiết về bà con mình bên đó.

Ban đầu, đó là những người đi giúp việc gia đình , có trình độ văn hóa không thấp: tốt nghiệp cấp 3, hoặc học dở dang ĐH ngoại ngữ... Họ nhanh chóng hòa nhập với xã hội Liban, gây được thiện cảm với các gia đình thuê mướn họ bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó và trung thực. Rất nhiều người được chủ nhà giao cho "tay hòm chìa khóa" như một quản gia thân tín.

Các gia chủ Liban cố "níu giữ" anh chị em đến độ đặt mua báo tiếng Việt từ Paris gửi sang, những ngày lễ tết đều trao quà (dây chuyền, vòng vàng...) và rất tôn trọng anh chị em mình. Hôm nghe tin có cán bộ sứ quán Việt Nam sang thăm, một cô quản gia nói với gia chủ: "Hôm nay "moa" có khách". Ông bà chủ sốt sắng đưa tiền đi chợ để làm cơm cho hơn 20 người (cô gọi điện mời những anh chị em đang có mặt ở Beyrouth), và họ lái xe đi chơi tỉnh khác để "mọi người được tự nhiên"!

Thực tế hiện nay trên đất nước Liban, có hơn 50 bà con Việt mình định cư. Từ những người ban đầu, dần dà kéo theo chồng hoặc vợ, anh chị em, họ hàng... sang làm nhiều công việc khác như: chăm sóc vườn cây hoặc thảm cỏ, sơn quét nhà cửa... (Liban đã từng được coi là "Thụy Sĩ của phương Đông" với những biệt thự trên đồi cây rất đẹp).

Họ cũng chẳng cần đến các công ty xuất khẩu lao động mà đi theo gia đình như đã nói ở trên, chẳng phải lo... lệ phí, tiền đặt cọc... Điều quan trọng là các gia chủ Liban rất hoan nghênh, nhiều người xăng xái đi lo thủ tục giấy tờ, hộ chiếu, visa cho anh chị em, có trường hợp mua cả vé máy bay cho anh chị em nữa!

Theo lời anh chị em kể lại, đời sống không đến nỗi khó khăn. Liban cũng là một quốc gia ở Trung Đông nhưng... không có sa mạc. Đất nước này được mệnh danh là "vườn rau, vườn trái cây" của cả vùng với những loại trái cây to và ngon hơn ở mình! Khí hậu Địa Trung Hải nên Beyrouth luôn luôn là nơi nghỉ mát của cả khu vực. Trong nước, tỷ lệ người theo Công giáo và Hồi giáo tương tự như nhau, nên có một quy định "bất thành văn" trong các kỳ bầu cử: Tổng thống là Công giáo thì Thủ tướng là Hồi giáo hoặc ngược lại.

Thành phần chính phủ cũng "chia" ra như vậy. Bởi thế không có những luật lệ, quy định của đạo giáo nghiêm ngặt như ở các quốc gia Hồi giáo khác. Người Liban không che mạng mặt, còn các cô gái Liban thì "Paris mặc thế nào, Beyrouth mặc như thế". Bởi vậy, bà con mình không bị gò bó trong đi đứng, ăn mặc... như các quốc gia khác trong vùng. Nguyện vọng chung của anh chị em Việt kiều ở Liban rất đơn giản: giá như có cơ quan đại diện Việt Nam đặt ở Beyrouth để những ngày lễ tết có dịp tụ hội nghe chuyện trong nước, xem báo Tết từ trong nước, và "ăn Tết Nguyên đán" với nhau !

Nguyễn Lê Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.