Công nghệ thông tin: Thu hút nguồn lực lớn từ Việt kiều

20/08/2005 22:12 GMT+7

Hội nghị “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông (TT)” do Bộ Bưu chính Viễn thông, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và UBND TP.HCM tổ chức đã diễn ra hôm qua 20.8 với sự tham dự của 140 Việt kiều từ 15 quốc gia. Hội nghị được giới chuyên môn đánh giá là sẽ tạo nền tảng thu hút được nhiều hơn nữa nguồn lực về vốn, công nghệ, tri thức... từ nguồn “nội lực bên ngoài”góp phần phát triển CNTT nước nhà.

Cầu nối với thế giới

“Ngay từ những năm đầu thập niên 80 vốn còn nhiều rào cản khó khăn, Việt kiều đã là chiếc cầu nối cho Việt Nam tiếp cận với ngành CNTT thế giới. Tiềm năng về CNTT của Việt kiều khá mạnh. Chỉ tính riêng tại thung lũng Silicon(Mỹ) hiện có khoảng 10.000-12.000 người gốc Việt đang làm việc. Chúng ta cần phải có những dự án cụ thể, biết khơi dậy tâm lý và sở trường của họ để phát triển ngành CNTT trong nước” - ông Nguyễn Việt Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhận xét. Nhờ đầu tư của Việt kiều vào lĩnh vực CNTT, cho đến nay trên bản đồ sản xuất phần mềm thế giới Việt Nam cũng đã xây dựng được những thương hiệu không hề thua kém Trung Quốc hay Ấn Độ. Chỉ riêng tại TP.HCM đã có 187 doanh nghiệp (DN) do Việt kiều hoạt động về CNTT hoặc có liên quan đến CNTT như TMA Solutions, Paragon Solutions, Global Cybersoft, Pyramid Software, SilkRoad... Theo ông Nguyễn Việt Thuận, những DN này đã tạo nên một sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
 

Các trí thức-doanh nhân Việt kiều cần gì?

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư trưởng Trường Đại học Liège (Bỉ): “Trung tâm đào tạo khoa học tính toán của tôi đã mở được 11 khoá và đào tạo gần 300 thạc sĩ, 20 tiến sĩ đang bảo vệ luận án. Do vậy nếu thành phố muốn thành lập Viện khoa học tính toán thì tôi sẵn sang tham gia”.

Giáo sư Phạm Viết Hoàn (Mỹ): “Cách đây 3 năm tôi có về tham dự hội nghị mã nguồn mở do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại hội nghị. Tôi muốn được tham gia giảng dạy về vấn đề đó tại Việt Nam”. 

Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TMA: “Hạ tầng viễn thông là một vấn đề lớn. Chi phí, chất lượng đường truyền chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam cũng như chưa theo kịp các nước trong khu vực là một điều khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành CNTT”.

Rất nhiều giáo sư, nhà khoa học bày tỏ mong muốn được về truyền đạt lại tri thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ trong nước. Giáo sư Vương Thanh Sơn, Trường Đại học British Columbia (Canada) cho biết: “Tôi đang suy nghĩ về vấn đề hợp tác để giảng dạy ở TP.HCM như thế nào. Có thể sẽ là tư vấn hoặc trực tiếp giảng dạy tại trường đào tạo về CNTT và chú trọng đến hoạt động nghiên cứu. Nếu mọi việc suôn sẻ, trước mắt tôi sẽ dành thời gian để làm việc tại Việt Nam song song với công việc hiện tại ở Canada”. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT-TT nước nhà. Do đó, không chỉ các giáo sư mong muốn được trực tiếp giảng dạy mà bản thân các doanh nhân Việt kiều cũng muốn tham gia để nhanh chóng tạo ra đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao. Ông Trần Duy Tân, Tổng Giám đốc Công ty Silicon Design Solutions (SDS), gợi ý về giải pháp đào tạo có sự phối hợp của DN với nhà trường: “Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc lấy người từ trường học về công ty thì việc phát triển đội ngũ nhân lực chỉ mang cấp số cộng. Hơn nữa, với những công nghệ cao như thiết kế vi mạch thì các trường của Việt Nam lại chưa đào tạo. Vì vậy DN nên đưa những dự án cho đội ngũ giáo sư, kỹ sư của trường thực hiện thì việc phổ biến kiến thức sẽ được thực hiện theo cấp số nhân”. SDS đang triển khai một số dự án phối hợp với Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Cũng theo ông Tân, đây sẽ là cách chuyển giao công nghệ nhanh nhất cả về thời gian lẫn số lượng. “Các giáo sư tại trường sẽ tiếp cận được các công nghệ mới bằng chính kinh nghiệm thực tiễn qua việc thực hiện những dự án cụ thể. Từ đó họ sẽ truyền đạt lại cho nhiều lớp sinh viên thì sẽ đạt hiệu quả cao nhất” , ông Tân nói.

Thành công ở quê hương

“Kết nối” mạnh hơn với kiều bào

Sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một số việc cần làm ngay: Hội nghị này sẽ được tổ chức hàng năm và sẽ luân phiên với các tỉnh, thành phố khác nhằm cung cấp, trao đổi thông tin; xây dựng chợ  trên mạng, phối hợp với kiều bào để trong tương lai sẽ có một Alibaba (website thương mại điện tử nổi tiếng nhất Trung Quốc – PV) của Việt Nam; đưa tất cả các luật lệ, chính sách đối với kiều bào lên mạng internet phục vụ bà con ở nước ngoài. Sở Bưu chính viễn thông TP.HCM sẽ đưa lên mạng những thông tin cập nhật về sản phẩm CNTT; đề xuất giảm chi phí đường truyền; kiến nghị chính sách visa cho Việt kiều theo hướng có giá trị ít nhất là một năm; thúc đẩy các dự án nhà ở cho Việt kiều về nước làm việc...

Trong số những gương mặt vừa được Hội Tin học TP.HCM tôn vinh và trao tặng bằng khen về những đóng góp cho ngành CNTT trong suốt 20 năm qua có ông Nguyễn Hữu Lệ - Việt kiều ở Úc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TMA. Với khởi đầu chỉ vỏn vẹn có 4 chuyên viên phần mềm, thì nay TMA đã có hơn 500 kỹ sư phần mềm và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 75%/năm, TMA hiện được xem là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam hiện nay. “Kinh nghiệm của những người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực CNTT là điều quí nhất. Họ giúp chúng ta nắm bắt được nhu cầu của các đối tác nước ngoài” - ông Lệ nói. Còn đối với Global Cybersoft Việt Nam, sự thành công sau 5 năm hoạt động chính là một đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm và tạo nên được thương hiệu cho riêng mình. “Thành công nhất của chúng tôi chính là được khách hàng rất tin tưởng. Chúng tôi có nhiều nhân viên giỏi, có kinh nghiệm trong ngành bán dẫn để thực hiện việc tự động hóa cho những nhà máy sản xuất chip của châu u” - ông Ngô Đức Chí - Tổng Giám đốc Global Cybersoft nói. Đó là hai trong nhiều DN do Việt kiều đầu tư đang thành công ở quê hương. Khi được hỏi tại sao lại rời bỏ vị trí cao cấp, đại diện của những tập đoàn CNTT quốc tế lớn để về đầu tư ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Lệ, Ngô Đức Chí.... đều cho biết rằng muốn chứng tỏ cho đối tác nước ngoài thấy người Việt Nam cũng có thể thành công trong lĩnh vực kỹ thuật cao này. “Dường như người Việt sinh ra là để làm phần mềm. Các đối tác cũng cho biết họ sẵn sàng sử dụng kỹ sư Việt Nam vào các dự án nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm mới” - ông Ngô Đức Chí nói. Thị trường CNTT-TT Việt Nam đang có nhiều tiềm năng lớn cho các DN, đó là đánh giá chung của các doanh nhân Việt kiều đã và đang làm việc tại Việt Nam. “Đây là thời điểm thuận lợi nhất để anh em Việt kiều về đầu tư vào lĩnh vực CNTT. Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhưng điều đó không sao cả”- ông Nguyễn Hữu Lệ kêu gọi.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT:

Cần tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng


Xây dựng được một đội ngũ nhân lực đầy kinh nghiệm là thành công của Công ty Global Cybersoft Việt Nam. ảnh: D.Đ.Minh
Dù còn nhiều bất cập, song bằng những cố gắng chúng ta đang dần từng bước hình thành một đội ngũ nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển ngành CNTT-TT. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng ngành công nghiệp CNTT được duy trì đạt khoảng 25-28%/năm; trong đó riêng công nghiệp phần mềm, dịch vụ và gia công đạt mức 30-35%/ năm.

Tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, nắm bắt kinh nghiệm triển khai các ứng dụng, đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm nghiên cứu thị trường, đầu tư và kinh doanh, định hướng sản phẩm để phát triển CNTT là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều trí thức đã trở về Việt Nam tham gia đào tạo, nghiên cứu và mở công ty kinh doanh về CNTT-TT trong nước. Đó thực sự là nguồn lực CNTT quý giá của đất nước. Để công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước hiệu quả hơn nữa, cần nghiên cứu đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tạo môi trường thông thoáng và bình đẳng; nghiên cứu các biện pháp để trí thức, doanh nhân kiều bào nắm vững tình hình phát triển CNTT-TT trong nước, tạo điều kiện để họ có thể tham gia (về nhân lực, kinh nghiệm và vốn) và tham gia ngày càng hiệu quả vào các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong nước (cả khu vực chính phủ và khu vực doanh nghiệp).


Mai Phương - Trung Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.