Có một văn hóa chùa Việt Nam trên đất Phật

08/12/2003 10:08 GMT+7

Đức Phật Tổ đản sinh tại Lâm Tỳ Ni, Nepal. Ngài tu hành đắc đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Hai thánh địa này của Phật giáo thế giới là nơi tập trung các kiến trúc chùa độc đáo của nhiều nước trên thế giới. Người Việt khi sang những nơi này như về lại quê hương, và lòng đầy tự hào về người mình, chùa mình.

Một chiều hạ tuần tháng 4/2001, nhân duyên đưa đẩy cho tôi gặp thầy ở nhà một người bạn cao niên. Trong bộ tiện y nâu, giày ba-ta cũ, vẹt gót, phong cách nhanh nhẹn khác hẳn hình ảnh một vị cao tăng Việt kiều mà tôi đã mường tượng trước đó. Kỷ niệm cuộc thăm xã giao, thầy tặng chúng tôi mỗi người một chiếc lá bồ đề. Lá rơi từ trên cây đại thụ mà dưới gốc cây đó 2.600 năm trước Thái tử Tất Đạt Đa (Siddahartha, tiếng Phạn nghĩa là Người mang đến điều tốt lành) thiền định đắc đạo. Người đời sau gọi Thích ca Mâu Ni (Shakya-Muni: Vị minh triết của Vương quốc Shakya), hoặc Như Lai (Tathagata: Người nắm được chân lý). Chiếc lá đính trong tấm giấy in hình Đức Phật, thầy ký tên đề tặng và nói: "Ông có nhân duyên mà nên cuộc gặp của chúng ta hôm nay. Chúng tôi hy vọng được đón ông Vũ Kỳ và ông bên Việt Nam Phật Quốc tự”.

Từ ngôi chùa Việt độc đáo ở Ấn Độ...
Thế mà cũng phải gần hai năm sau, chúng tôi mới nhận được lời mời sang chứng kiến Phật Quốc tự Việt Nam ở Ấn Độ làm lễ lạc thành trong ngày 12/1/2003. Công trình lúc đó vẫn còn đang xây dở dang gác chuông, tháp trống tách biệt, và tháp Vạn Phật. Đường dẫn vào chùa, trên các biển chỉ đường, cổng vào, trên tường, những nơi dễ trông thấy đều có hình bản đồ Việt Nam chữ S đắp nổi nhắc nhở: đây là chùa Việt Nam... Từ ngày có chùa, nhân dân quanh vùng được giúp đỡ, mở mang dân trí, hiểu Việt Nam, kính trọng thầy. Nhiều gia đình sẵn sàng nhượng đất để chùa mở rộng mặt bằng. Nay khuôn viên chùa mở rộng gần 3 ha. Các công trình chính gồm tòa chính diện rộng 64m, cao 24m (ảnh), tháp Vạn Phật cao 22m, Quan Âm Đài giống như chùa Một Cột ở Hà Nội, gác chuông đại hồng chung 2,5 tấn, gác trống sấm đường kính 2m đặt làm từ trong nước. Hai dãy pháp xá cao tầng có thể đón cùng lúc mấy trăm khách, có cả tầng hầm phòng mùa nóng ác nghiệt ở đây. Thầy cho biết khách đồng hương được mời lưu lại 3 ngày miễn phí. Gạo sẵn nhờ lúa trồng được quanh chùa. Rau quả mùa nào thức ấy: bầu, bí, đu đủ, đậu, các loại rau như ở quê nhà do tự tay thầy và anh em ở đây trồng, chăm bón. Khách thích món gì, tự thu hái, chế biến trong nhà bếp thiết kế hiện đại.

Còn vườn chùa là một không gian quê hương thu nhỏ. Đường nhỏ lượn quanh, hai bên rợp bóng cây ăn quả: vải, nhãn, mít, táo, cam, bưởi, xoài 30 loại, ổi 12 thứ... Quanh chùa đủ vườn hoa, cây cảnh: tùng, bách, trúc, tre, đào, mai, lan, sứ... Trong vườn có một khóm trúc đẹp, phát triển mạnh, trong chùm lá xanh hiện rõ tấm biển nhỏ ghi: cây do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên trồng.

Tất cả là kết quả của hơn ba thập niên miệt mài vận động, quyên góp của thầy. Thầy vốn quê Bến Tre, cha mất sớm, từ nhỏ đã đau ốm quặt quèo. Lên 6 thầy xuất gia theo mẹ để chữa bệnh, mong nương nhờ cửa Phật sẽ khỏi chết yểu như số tử vi đã định. Cả hai mẹ con cùng tham gia

Hoà thượng Thích Thanh Tú (Phó chủ tịch hội Phật giáo VN) và thầy Huyền Diệu (trái)
phong trào Phật tử chống Mỹ Diệm, đến đầu những năm 60 quê hương bị khủng bố nặng nề, dạt ra Long Thành, Đồng Nai. Ngày 11.6.1963, hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn chống chế độ độc tài Diệm - Nhu. Thầy tham gia bảo vệ vòng trong mắc tội bị trục xuất ra nước ngoài. Ở Pháp, vừa kiếm sống, tu hành, vừa học tập, thầy đỗ Tiến sĩ thần học - triết học, lịch sử thế giới và quan hệ quốc tế. Năm 1967, thầy được các giáo sư, các bạn sinh viên giúp đỡ phương tiện để thực hiện chuyến hành hương về Bồ Đề Đạo Tràng. Thầy rất xúc động trước cả một vùng thánh tích, nơi góp mặt kiến trúc chùa độc đáo của nhiều dân tộc trên thế giới. Lòng tự tôn quê hương đất nước, thầy ngồi dưới gốc cây bồ đề khẩn cầu Đức Phật, Chư vị Bồ tát, Bát bộ Kim cang... và kinh thỉnh hồn thiêng đất nước Việt Nam phò trì ước nguyện cho thầy được xây một ngôi chùa Việt Nam tại đây, dù chỉ là cột tre, mái rạ!

Trở về, thầy thổ lộ tâm nguyện này và nhận được sự ủng hộ của người Việt sinh sống khắp năm châu. Sau 4 năm, năm 1971, thầy mua được khoảnh đất 600 - 700m2 để dựng lều chuẩn bị. Thầy tự lo, tự làm mọi việc: thiết kế, mua vật liệu, tìm thuê thợ... Mất nhiều thời gian cho các bản vẽ thiết kế chùa sao cho mang được dáng dấp quê hương đất nước, đặc biệt là các chùa miền Bắc cổ kính: mái cong mũi long đao ẩn hiện, vươn cao giữa lùm cây... Tuy nhiên, thiết kế không tránh được chắp vá vì còn phụ thuộc vào tài chính: Tiền đi dạy thuê tại nhiều trường đại học trên thế giới, sự hảo tâm của bạn bè tín hữu...

... Đến ngôi chùa "tiên phong" ở Nepal
Năm 1987, thầy lần đầu hành hương đến Lâm Tỳ Ni, Nepal. Hết sức bàng hoàng, xúc động trước cảnh thánh tích Lâm Tỳ Ni bị bỏ phế, hoàn toàn hoang vu, thầy nảy ý định Việt Nam sẽ là nước xây ngôi chùa đầu tiên... Cố Quốc vương Nepal Birenda và Thủ tướng Korala thấy rõ viễn cảnh một vùng Lâm Tỳ Ni phát triển, sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ đất nước non 4 triệu dân, nên phái máy bay và đoàn tùy tùng mời nhà sư Việt Nam sang tặng một khoảnh đất xây ngôi chùa đầu tiên, coi như "nước tiên phong" trong việc hồi sinh thánh địa Lâm Tỳ Ni.

Vậy là thầy vừa tiếp tục đi dạy, vừa quyên góp để xây cùng một lúc hai ngôi chùa, lại còn vận động các nước cùng xây chùa ở Lâm Tỳ Ni với mơ ước biến Lâm Tỳ Ni thành một "Liên hợp quốc" Phật giáo. Ước mơ đó nay đã thành sự thật: đã có 17 nước có chùa hoàn chỉnh rất nhanh do chính phủ và nhân dân đầu tư thi công. Chùa Trung Quốc mô phỏng Thiếu lâm tự, mọi vật liệu, công nhân đưa từ trong nước sang với tổng kinh phí lên đến 5 triệu USD...

Từ túp lều dựng ở tạm để xây chùa, có một đôi chim hồng hạc - tên trong sách đỏ là Sarus Crane - cao gần 2m, nặng từ 9 - 10 ký, đến ở. Thầy nuôi và vận động cả vùng bảo vệ, nay lên đến gần 40 con. Thầy còn đứng ra quyên góp xây cây cầu Tình thương Việt Nam và một bệnh viện dành cho người nghèo. Hiện nay, công việc của thầy giống như một tình nguyện viên không lương: đi về các làng phía nam Lâm Tỳ Ni vận động nhân dân nâng cao dân trí, ăn ở vệ sinh, tăng gia sản xuất theo lối mới để xóa đói giảm nghèo - hệt như cách làm thuộc vùng sâu, vùng xa ở ta vậy.

Với những đóng góp to lớn đó, Chính phủ Nepal dành cho thầy quy chế miễn trừ ngoại giao đặc biệt. Thầy cảm ơn, chỉ xin nhận khi tất cả các vị sư trụ trì ở đây đều được hưởng quy chế đó như thầy. Thế là Lâm Tỳ Ni giờ đây như một Liên hợp quốc Phật giáo mà thầy được "Đoàn ngoại giao" bầu là Tổng thư ký... Nhưng các tín hữu vẫn quen gọi thầy là thầy Huyền Diệu. Phật danh do sư cụ đáng kính ở quê đặt và răn: "Con người ta ở hiền gặp lành. Sống từ bi hỉ xả thì tất điều huyền diệu sẽ đến". Còn họ tên Thầy: Lâm Trung Quốc. Một cái họ lâu đời ở Bến Tre. Còn tên, thân phụ dặn thân mẫu: "Con trai qua bệnh khỏi thì phải xa nhà. Đi đâu, làm chi cũng phải nhớ "trung với nước", biết tri ân. Nếu xa nước, thì trước tiên, tri ân Tổ quốc - nơi từ đó có mình...".

Trịnh Tố Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.