Người Việt giữa thảm họa cháy rừng ở Úc

07/01/2020 07:00 GMT+7

Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện mong cháy rừng không tiếp tục lan rộng... khi mỗi ngày phải hít thở bầu không khí đang ở mức nguy hiểm nhất thế giới

Hôm qua, trả lời phỏng vấn Thanh Niên, nhiều người Việt đang sinh sống tại Úc đã chia sẻ sự lo ngại về tình trạng khói bụi mịt mù, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống khi thảm họa cháy rừng ở xứ sở chuột túi vẫn rất nghiêm trọng.

Đón năm mới… không yên

Ngày 31.12 vừa rồi, anh Nguyễn Sinh Chương (sống tại Sydney, bang New South Wales) cùng bạn bè tập trung ăn uống mừng năm mới tại vùng Charmhaven, cách Sydney khoảng 100 km. Giữa lúc mọi người đang ăn uống thì cháy rừng xảy ra tại khu vực cách đó chưa đầy 500 m.
Cảnh sát nhanh chóng phong tỏa một số tuyến đường vì có đoạn xa lộ hai bên rừng đều bị cháy. Nhiều xe cứu hỏa được huy động để ngăn chặn đám cháy lan sang nhà dân, vốn chỉ cách rừng một con đường. Máy bay trực thăng chữa lửa liên tục quần thảo trên bầu trời trong nỗ lực dập tắt đám cháy. Buổi tối đón năm mới tại trung tâm của vùng là The Entrance dự tính có bắn pháo hoa song cuối cùng phải hủy bỏ. Đến hôm qua, anh Chương cho hay tình hình khói bụi tại Sydney đỡ hơn, trong khi tình trạng cháy rừng ở bang Victoria vẫn nghiêm trọng.

Xe cứu hỏa được huy động chữa cháy ở Charmhaven ngày 31.12.2019

Nguyễn Sinh Chương

Đeo khẩu trang cũng chịu không thấu

Cũng tại Sydney, cô Nguyễn Duy Hiên cho biết: “Chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế ra đường và tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng khẩu trang có lọc khói”.
Với giá 10 - 30 AUD (160.000 - 480.000 đồng), khẩu trang có lọc khói trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua nhất và một số siêu thị không kịp đáp ứng nhu cầu. “Tôi luôn đeo khẩu trang mỗi lúc đi ra ngoài đường nhưng thật sự vẫn không chịu đựng được mùi khói nồng nặc”.

Trực thăng chữa cháy xuất hiện giữa lúc khói đen bao phủ cả một vùng trời ở Charmhaven ngày 31.12.2019

Nguyễn Sinh Chương

Cô Hiên, cũng giống như nhiều người khác, đồng thời chia sẻ cảm giác như đang sống trong lò lửa vào những ngày cháy rừng nghiêm trọng và nhiệt độ cao hơn 42oC ”. Nhà trẻ nơi cô Hiên làm việc vẫn mở cửa hoạt động bình thường nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ đi làm.

Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện mong cháy rừng không tiếp tục lan rộng. Mọi người đều lo ngại khi mỗi ngày phải hít thở bầu không khí đang ở mức nguy hiểm nhất thế giới

Anh Nguyễn Văn Thanh sống ở khu ngoại ô Harrison của thủ đô Canberra

“Chúng tôi cố gắng bảo vệ các em bằng mọi giá, tuân thủ đúng khuyến cáo của chính phủ, giữ các em suốt trong lớp học và không cho phép ra sân chơi. Tôi có thể nhận thấy nhiều trẻ có dấu hiệu mệt mỏi khi đến lớp”, cô Hiên chia sẻ.

[VIDEO] Người dân Úc nhiếc móc, không chịu bắt tay thủ tướng vì chậm xử lý cháy rừng

Tình hình đang đặc biệt nghiêm trọng ở bang Victoria. Chị Nguyễn Thị Như Lan, sống ở Melbourne (thủ phủ bang Victoria), cho biết ngày 6.1, thành phố này chìm trong một lớp sương mờ do khói cháy rừng, bầu trời không trong xanh như mọi hôm do khói mịt mù. Chính quyền địa phương cảnh báo người già hoặc những người bị hen suyễn nên ở nhà hoặc có ra ngoài nên chuẩn bị thuốc men sẵn sàng cũng như nên đeo khẩu trang chống khói bụi. Do còn trong kỳ nghỉ nên học sinh vẫn chưa đến trường. Tuy nhiên, về cơ bản thì sinh hoạt tại đây vẫn diễn ra bình thường.
Trong khi đó, một người Việt khác ở Melbourne xác nhận người dân ở đây rất lo lắng trước cuộc khủng hoảng cháy rừng. Phần lớn người dân phản đối chuyện bắn pháo hoa đón năm mới vừa qua vì họ sợ xảy ra thêm các vụ hỏa hoạn, đồng thời cho rằng việc bắn pháo hoa là phung phí tiền bạc giữa lúc nhiều người vẫn còn đang bị mắc kẹt ở các vùng cháy. Chị kể thêm người dân tại đây lên các trang mạng xã hội kêu gọi quyên góp ủng hộ nạn nhân cháy rừng.
Người Việt giữa thảm họa cháy rừng ở Úc1

Khói do cháy rừng bao phủ cả một vùng trời ở Canberra ngày 5.1

Ảnh: Nguyễn Hoàng Nam

Lo đám cháy lan đến bất cứ lúc nào

Hiện cộng đồng người Việt giúp lan tỏa thông điệp trên mạng xã hội, chia sẻ thông báo của chính phủ Úc về việc kêu gọi các bác sĩ, y tá tham gia công tác tình nguyện hỗ trợ nạn nhân cháy rừng. Cô Nguyễn Xuân Linh (sống ở thành phố Melbourne, bang Victoria) cho biết: “Một số người bạn Việt của tôi có xe van thì chạy đến nhà các đồng hương khác để thu gom thuốc men, quần áo hoặc thực phẩm rồi chở đến trao cho các nạn nhân bị mất nhà cửa vì cháy rừng”.
“Chuỗi cửa hàng thuốc tây Chemist Warehouse đang tiến hành chương trình quyên góp tiền cho nạn nhân cháy rừng tại quầy thanh toán. Trên diễn đàn sinh viên Việt ở Melbourne, có một bạn người Việt được cho là quyên góp đến 1.000 AUD. Điều này cho thấy tinh thần tương thân tương ái của người Việt”, cô Linh chia sẻ.
Cũng sống ở Melbourne, chị P.D cho biết cháy rừng ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống thường ngày của gia đình chị, chẳng hạn như khó có thể hít thở thoải mái được trong hai ba ngày nay do khói mù mịt. Chị theo dõi cập nhật thông tin liên quan vụ cháy rừng hằng giờ vì chỗ chị ở có thể bị đám cháy lan tới bất cứ lúc nào.
Hiện chị D. đang có một gia đình người Việt từ thủ đô Canberra đến trú ngụ khi du lịch Melbourne nhân dịp năm mới. Song đến nay, gia đình này chưa thể về lại Canberra, một phần vì nhiều tuyến đường bị phong tỏa do cháy rừng lan đến và phần khác là do mức độ ô nhiễm không khí ở Canberra hiện rất cao.

[VIDEO] Đi hay ở? Quyết định khó khăn cho người dân Úc giữa cơn cháy rừng

Tro bụi bao phủ thủ đô Canberra

“Dù cách xa đám cháy rừng hơn 60 km nhưng cộng đồng người gốc Việt ở thủ đô Canberra phải đối mặt bầu trời đầy khói mù, tro bụi cực kỳ độc hại trong những ngày qua”, anh Nguyễn Văn Thanh, sống ở khu ngoại ô Harrison của thủ đô Canberra, nói với Thanh Niên.
Theo anh Thanh, chính quyền Canberra cảnh báo nguy cơ mất điện diện rộng do cháy rừng làm hư hỏng đường dây điện tại một số khu vực. “Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện mong cháy rừng không tiếp tục lan rộng. Mọi người đều lo ngại khi mỗi ngày phải hít thở bầu không khí đang ở mức nguy hiểm nhất thế giới”, anh Thanh nói.

Một góc Canberra mịt mùi khói vào ngày 4.1. Người dân hạn chế ra đường vì sợ khói bụi

T.D.

Cũng sinh sống tại Canberra, chị Hứa Bảo Vân cho biết suốt vài ngày qua không dám cho con nhỏ ra phòng khách vì khói từ ngoài xông vào. Chị và các con chủ yếu ở trong phòng riêng vì được trang bị máy lọc không khí. Chị Vân kể: “Ngày hôm qua (5.1) là thảm luôn! Vì nguyên ngày bầu trời đỏ rực”.
Theo một người Việt khác ở thủ đô Canberra, những ngày qua khói mịt mù, khói vào tận trong nhà và thời tiết rất oi nóng, có hôm nhiệt độ lên tới 41oC. Nhiều cửa hàng tại đây thậm chí phải đóng cửa. Người dân hạn chế ra đường và nếu phải ra ngoài đều đeo khẩu trang đặc biệt. Anh Nguyễn Hoàng Nam thì kể đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về vụ cháy rừng, vì đây là vụ cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay tại Úc. Không khí ngoài đường vẫn còn đặc quánh khói bụi hôm 5.1 song đến ngày 6.1, trời mưa nên đã đỡ hơn.
Cũng ở tại Canberra, anh Thanh Vũ cho biết người Việt chủ yếu sống ở các thành phố lớn nên không bị ảnh hưởng trực tiếp, còn người dân Úc phải sơ tán nhiều. Quân đội đã được huy động để sơ tán người dân khỏi những vùng bị ảnh hưởng. Theo anh Thanh Vũ, vùng nào cần sơ tán, chính quyền địa phương sẽ phát thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như nhắn tin vào điện thoại cho người dân cả vùng đó. Sân bay ở Canberra ngày 5.1 phải đóng cửa vì khói, nhưng ngày 6.1 đã hoạt động trở lại bình thường vì trời mưa nên bớt khói.
Theo truyền thông địa phương, đã có mưa tại khu vực bờ đông từ Sydney cho đến Melbourne, trong đó một vài nơi ở bang New South Wales có mưa lớn. Tuy nhiên, Cục Khí tượng Úc dự báo lượng mưa sẽ giảm dần trong những ngày kế tiếp và nhiệt độ tăng lên mức cao vào ngày 10.1.
Việt Nam chia buồn với Úc về thảm họa cháy rừng
Ngày 6.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi đến Thủ tướng Úc Scott Morrison. Trong điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi những lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất tới người dân Úc bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, đồng thời bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Scott Morrison, chính phủ và nhân dân Úc sẽ nhanh chóng khắc phục được hậu quả của các vụ cháy rừng và sớm ổn định cuộc sống. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện thăm hỏi đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc Marise Payne.
Vũ Hân
Diện tích cháy đến nay đã mở rộng lên gần 8 triệu ha
New Zealand cũng ứng phó cháy rừng
Diện tích cháy đến nay đã mở rộng lên gần 8 triệu ha

Nhiều động vật tháo chạy khỏi đám cháy rừng

Ảnh: Reuters

Hôm qua 6.1, nhà chức trách Úc vẫn tiếp tục nỗ lực kiểm soát đợt cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại nhiều bang trong nhiều ngày qua. Khói bụi từ các đám cháy gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề tại các thành phố lớn, trong đó thủ đô Canberra có mức độ ô nhiễm cao hơn cả những thành phố ô nhiễm nhất thế giới tại Ấn Độ hay Trung Quốc. Theo tờ The Daily Telegraph, chỉ số chất lượng không khí tại trung tâm Canberra đo được vào sáng 6.1 là 1.400 trong khi ở New Delhi chỉ là 266 còn Bắc Kinh là 152. Chỉ số từ 200 trở lên bị coi là độc hại. Cục Khí tượng Úc dự báo khói bụi và tình trạng không khí độc hại tại Canberra sẽ còn kéo dài trong những ngày tới.
Hiện còn khoảng 200 đám cháy vẫn tiếp tục tại nhiều nơi trong khi diện tích khu vực bị cháy từ tháng 9.2019 đến nay đã mở rộng lên gần 8 triệu ha (80.000 km2), gần tương đương 1/4 tổng diện tích đất liền và hải đảo của Việt Nam.
Tính đến ngày 6.1, ít nhất 24 người thiệt mạng, hơn 1.800 ngôi nhà bị thiêu hủy và 2 người mất tích. Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 6.1 cam kết chi ngân sách 2 tỉ AUD trong 2 năm tới để khắc phục hậu quả từ cháy rừng. Trong khi đó, hơn 25 triệu AUD đã được gây quỹ nhằm hỗ trợ lực lượng cứu hỏa, theo AFP.
* Lực lượng cứu hỏa New Zealand ngày 6.1 nỗ lực dập tắt cháy rừng ở phía bắc TP.Napier trên Đảo Bắc của nước này. Đám cháy lan rộng ra khoảng 140 ha rừng, theo trang Stuff. Giới chức địa phương cho biết một đám cháy lớn bùng phát ngày 6.1 do công tác làm rừng và lan nhanh do gió thổi mạnh. Giới hữu trách đã điều 65 lính cứu hỏa, 2 máy bay và 6 trực thăng đến hiện trường tham gia nỗ lực dập lửa. Tuy nhiên, thời tiết khô hanh và gió thổi mạnh đã cản trở công tác khống chế đám cháy rừng của lực lượng cứu hỏa.
Vi Trân - Châu Yên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.