Người gốc Việt giữ gìn truyền thống tết

24/01/2020 09:30 GMT+7

Dù sinh sống và làm việc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới , những người gốc Việt luôn gìn giữ truyền thống Tết âm lịch.

Ba ngày tết trọn vẹn ở Yokohama

Đối với người mẹ có hai con nhỏ chào đời ở Nhật Bản như Phương Mai, tết là dịp để cô giới thiệu bản sắc dân tộc cho các con. May mắn tết Canh Tý 2020 rơi vào dịp cuối tuần, nên gia đình có thể tổ chức đón giao thừa và được trọn vẹn cả ngày mùng một lẫn mùng hai tết.
Phương Mai, đang sống tại thành phố Yokohama, đã lên kế hoạch đi chùa xin chữ, cầu nguyện cho năm mới được an khang.
Theo truyền thống phụ nữ Việt Nam luôn vén khéo dù ở bất cứ nơi đâu, cô bày biện mâm ngũ quả, tất bật làm cỗ cúng với đủ hương vị truyền thống như bánh chưng, miến giò, nấu xôi, luộc gà.
“Hoa phải là hoa lưu ly, và đốt nhang trên bàn thờ vào lúc đồng hồ điểm giao thừa.Và không thể thiếu cành đào trong nhà, đại diện cho mùa xuân đang đến”, Phương Mai cho biết.
Khu nhà cô đang sống có 5-6 gia đình Việt, đủ để qua nhà nhau chúc tết và lì xì cho trẻ con. Cô nhớ như in cái cảm giác háo hức đón tết lúc còn nhỏ, được mặc quần áo mới, được mừng tuổi, được ăn mứt ngọt lịm, và vì thế luôn tìm cách tái tạo không khí tết Việt trên đất Nhật cho mái ấm của mình.
“Tôi đốt nhang trong những ngày tết, bày mâm mứt, cho con mặc áo dài mua từ Việt Nam, ăn bánh chưng và nhất là lì xì bằng bao đỏ. Thế là các con biết rằng tết đến và háo hức chờ đợi dịp đặc biệt này”, Phương Mai kể.
“Năm nay còn vui hơn nữa vì có ông bà sang ăn tết cùng. Mâm cơm ấm cúng hơn”, cô cho biết.

Cận cảnh mâm cơm ngày tết

NVCC

Đón tết trong tâm bão đình công ở Paris

Hằng năm, cộng đồng người Việt ở Paris (Pháp) luôn tổ chức chúc tết và Đại sứ quán Việt Nam năm nào cũng tổ chức sự kiện mừng xuân ở tòa thị chính.
“Thế nhưng năm nay vì đình công, di chuyển khó khăn mà nhà lại xa trung tâm nên gia đình tôi dự định chỉ đón tết tại nhà”, theo chia sẻ của cô Thùy Dương sống ở Paris (Pháp) trong 10 năm qua.
“Tết ở đây buồn, nên thường mấy ngày tết tôi mở máy tính xem các chương trình ở Việt Nam cho đỡ nhớ quê hương”, cô chia sẻ. Cũng may là gia đình Thùy Dương mới chuyển nhà nên ở gần một số gia đình người quen.
“Thế là tôi quyết định tổ chức gói bánh chưng, bánh tét và mời mọi người tham gia cho có không khí. Bọn trẻ cũng có bạn để chơi”, cô cho hay.

Gói bánh chưng, bánh tét ở Paris

NVCC

Tết ấm cúng ở biên giới Pháp - Bỉ

Sát biên giới Pháp - Bỉ, ở thị trấn Quarouble, tỉnh Nord, gia đình nha sĩ Lân Bùi trong những năm qua luôn là mái ấm cho những em sinh viên Việt Nam và một số người Việt sống xa nhà.
“Vợ chồng tôi thường làm lễ giao thừa ở nhà cùng với người quen, rồi xuất hành, mừng lễ Vía Đức Di Lặc ngày mùng một, sau đó dự định về Paris thăm cha mẹ”, nha sĩ Bùi chia sẻ với Thanh Niên.
“Không khí ngày tết rất vui, mâm cỗ đầy đủ các món ăn truyền thống từ Bắc đến Nam, như thịt kho nước dừa, thịt đông, củ kiệu, dưa hành, bánh chưng, bánh tét”, ông cho biết.
Là người giữ truyền thống tết Việt, hai vợ chồng luôn xông đất sau khi cúng giao thừa. Tuy nhiên, thay vì chờ người khác đến, ông bà “tự xông đất” cho nhà mình, chủ yếu để tạo không khí tết nhất.
“Vui nhất là các bệnh nhân người Pháp cũng biết chúng tôi ăn tết và đến nhà chúc đầu năm hoặc gửi tin nhắn”, ông cho hay.
Thông thường gia đình ăn tết khoảng 2 ngày, có năm đầy đủ từ mùng một đến mùng ba. Theo ông, tết vui vì nhà ông sẵn sàng mở cửa chào đón những người lẻ loi không có điều kiện ăn tết Việt trên đất Pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.