Người được Tổng thống Putin sủng ái

29/02/2008 23:59 GMT+7

Ông Dmitry Medvedev được dự đoán sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày mai (2.3). Dưới đây là bài viết trên Báo Inopressa về nhân vật này.

Niềm tự hào của Saint Petersburg

Chủ nhiệm khoa Luật trường Đại học tổng hợp Saint Petersburg (trước đây là Leningrad) - ông Nikolai Kropatrev, từng nhận xét về chàng sinh viên Dmitry Medvedev: "Dmitry Medvedev là con người kiên định nhưng không đặc biệt xuất sắc". Sau khi Medvedev vào Điện Kremlin, làm việc trong cơ quan hành chính của Tổng thống, thì ông Kropatrev lại đánh giá :"Đây là một tiến sĩ luật kiên định, có tâm huyết và một lúc nào đó có thể giữ chức vụ cao nhất nước".

Hồi ở Đại học Saint Petersburg, luận án tiến sĩ của Medvedev được đánh giá rất cao. "Đó là một luận án rất thiết thực", ông Kropatrev nhớ lại. Đề tài của luận án là "Những vấn đề pháp lý dân sự của xí nghiệp nhà nước". Luận án được bảo vệ trong năm 1990 và cho tới nay nó vẫn còn giá trị lớn. Kropatrev cũng cho rằng Medvedev có phẩm chất của một thủ lĩnh. Có lẽ điều này đã được bộc lộ từ khi Medvedev quyết định rời Đại học Saint Petersburg sau 9 năm giảng dạy vào năm 1999.

Dù bận rộn, Kropatrev vẫn thường kể lại một cách rõ ràng, chi tiết về người học trò cũ của mình và những câu chuyện của ông đã hấp dẫn báo chí vốn đang bị "đói" tin về nhân vật được Tổng thống Vladimir Putin sủng ái này. Dmitry Medvedev là ai? Câu hỏi này đang làm cả thế giới hồi hộp từ lúc Điện Kremlin "chọn" ông làm người kế nhiệm ngài  Putin. Từ thời điểm đó, vị Chủ nhiệm khoa Kropatrev đã trở thành người "chịu trách nhiệm chính" về giai đoạn trước đây trong lý lịch của Medvedev.

Khoa luật Đại học Saint Petersburg có thể tự hào không chỉ về ông Medvedev, người dường như sẽ là tổng thống tương lai của Nga, mà cả về vị tổng thống hiện tại, ngài Putin. Ông Putin cũng tốt nghiệp khoa luật tại trường này. Ông Kropatrev có lẽ đã biết cách "khai thác" lợi thế đó. Bằng chứng là ông cũng sắp lên làm hiệu trưởng trường Saint Petersburg.

Một nữ sinh viên cùng lớp trước đây của Medvedev là Marina Litina kể: "Anh ấy bao giờ cũng rất nghiêm nghị và đầy nhiệt huyết, và vì thế lúc nào cũng được mến mộ". Hiện nay Marina Litina dạy luật dân sự tại Đại học Saint Petersburg, nơi trước đây Medvedev đã học và có một thời gian đứng trên bục giảng. Nhưng bà không thể nói nhiều về người đồng nghiệp cũ của mình được. "Là một giảng viên, anh ấy được kính trọng. Tôi còn cảm thấy anh ấy rất nghiêm khắc và cầu toàn. Nhưng Medvedev rất kín đáo, không phải là người ruột để ngoài da nên khó mà biết rõ về anh ấy được", Litina kể.

"Medvedev là một sinh viên và nhà khoa học tốt", người thầy cũ của Medvedev, giáo sư Valerii Muxin, nhận xét, "Anh ta là một sinh viên có khả năng phân tích khác thường". Giáo sư Muxin từng tiếc nuối khi Medvedev rời trường, nhưng ông giờ đã thay đổi quan điểm: "Anh ta sẽ gánh vác trách nhiệm nặng nề của một vị tổng thống. Chúc anh ta trở thành tổng thống tốt".

Ngoài đời sống chính trị, Medvedev là một con người có nhiều đam mê và nhiệt tình, một số người biết ông kể thế. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Tập đoàn Gazprom mới đây, Medvedev đã tổ chức một buổi họp mặt trong Điện Kremlin với sự góp mặt của các nhóm nhạc rock nổi tiếng, trong đó có Deep Purple đến từ nước Anh. "Khi 13 tuổi, tôi bắt đầu nghe rock dù bị cấm", Medvedev kể. Và ông cho biết Deep Purple là thần tượng của mình. Trước đây, ông chưa dám mơ rằng sẽ được xem trực tiếp nhóm nhạc này biểu diễn ngay tại Kremlin. Chính vì thế, khi sau khi xem Deep Purple biểu diễn, Medvedev đã chụp hình chung với nhóm. Bức ảnh này đã làm mọi người phải chú ý. Bên cạnh những ca sĩ nhạc rock "lão thành" là một Medvedev lịch thiệp và trẻ trung.

Nhà lãnh đạo nước Nga

Sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin đảm bảo chiến thắng cho Medvedev. Nhưng một khi trở thành người đứng đầu nước Nga, Medvedev sẽ như thế nào?

Những lời phát biểu được "lập trình trước" của Medvedev gần đây không bó buộc ông điều gì cả. Ông cũng từ chối tranh luận với các ứng viên khác. Thế nên rất khó hình dung ông sẽ là mẫu tổng thống như thế nào.

Bảo vệ tự do của công dân, tăng cường kỷ cương pháp luật và giảm bớt ảnh hưởng của nhà nước vào nền kinh tế là những lời hứa mà Medvedev mới đưa ra. Song giới quan sát vẫn hoài nghi. "Tất cả điều đó cũng đã được hứa hẹn từ lâu", ông Evgheni Yasin - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Moscow, nói, "Song trên thực tế chúng tôi thấy ngược lại. Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế đang được tăng cường, còn các phương tiện thông tin đại chúng đều nằm dưới sự kiểm soát. Số quan chức không giảm, tệ tham nhũng không bị trấn áp".

Theo dõi Medvedev gần đây, có thể thấy những lời phát biểu của ông ít mang tính quân sự hơn so với Tổng thống Putin. Vì thế, giới quan sát cho rằng việc đưa ông ra ứng cử vào vị trí tổng thống, lực lượng dân sự tại Nga sẽ được củng cố. Bởi lẽ, Medvedev không có quan hệ với một cơ quan đặc biệt nào, kể cả quân đội. Còn ông Putin thì trước đây từng là nhân viên tình báo. Theo giới quan sát, nếu xét từ góc độ này, có thể thấy được sự thay đổi là khá lớn.

Từ trước đến nay, với tư cách là Phó thủ tướng thứ nhất và Chủ tịch Hội đồng quản trị Gazprom, Dmitry Medvedev đã tham gia vào việc thực hiện các chính sách của Tổng thống Putin. Thế nên người ta mới chỉ biết ông về vai trò là người phụ trách thực hiện ý chí của người khác. Còn bản thân ông trong vai trò là nhà lãnh đạo, người đưa ra các chính sách như thế nào thì vẫn chưa rõ.

Nước Nga trước ngày bầu tổng thống

Nhân viên bầu cử đưa thùng phiếu đến các khu làng hẻo lánh
Ảnh: Reuters

Ngày mai 2.3, người dân Nga sẽ đi bỏ phiếu để bầu chọn người đứng đầu đất nước. Từ ngày 26.2 cho đến hết ngày 2.3, Nga áp dụng lệnh cấm công bố kết quả các cuộc thăm dò dư luận cũng như mọi dự đoán về kết quả bầu cử. Hôm nay, tất cả các cuộc tranh luận về bầu cử trên mọi phương tiện thông tin đại chúng cũng phải chấm dứt để không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của cử tri. Hiện còn lại 4 ứng viên tổng thống Nga là Phó thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev của đảng Nước Nga thống nhất, Chủ tịch đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Zyuganov, thủ lĩnh đảng Dân chủ Andrei Bogdanov và thủ lĩnh đảng Dân chủ tự do Nga Vladimir Zhirinovsky. Ông Vladimir Churov, Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC), khẳng định đây sẽ là đợt bầu cử có số điểm bỏ phiếu kỷ lục, cả trong lẫn ngoài nước. Theo Hãng tin Nga ITAR-Tass, có tổng cộng 96.277 điểm bầu cử, kể cả 364 điểm ở nước ngoài. "Công dân của chúng ta ở nước ngoài rất nhiều. Vào ngày 2.3, họ sẽ có cơ hội bầu cử tại 364 điểm bỏ phiếu tại 142 nước", ông Churov nói. Vị quan chức này cũng cho biết tất cả công dân Nga bị tàn tật đều có quyền bỏ phiếu tại nhà. Bộ trưởng Thông tin Leonid Reiman khẳng định tất cả các phương tiện kỹ thuật đã sẵn sàng. Theo ông này, một vệ tinh đặc biệt đã được phóng lên không trung nhằm giúp truyền dữ liệu bầu cử từ những vùng xa xôi. Dự án trị giá 100 triệu USD này đã được hoàn tất đặc biệt dành cho cuộc bầu cử năm 2008, nó cũng sẽ được dùng cho những cuộc bầu cử sau này vì có thể hoạt động trong 10 năm. Mặc dù chưa đến ngày bầu cử song các cử tri tại nhiều khu vực xa xôi của nước Nga đã đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống. Các công dân Nga sinh sống tại Tajikistan hôm 24.2 cũng đã bắt đầu cuộc bỏ phiếu sớm. Trong khi đó, theo Báo The Moscow News, Hội đồng Nghị viện Liên minh châu u (PACE) đã xác nhận sẽ gửi một phái đoàn gồm 25 thành viên đến giám sát cuộc bầu cử tổng thống Nga. Theo CEC, đã có tổng cộng 194 giám sát viên nước ngoài nhận được giấy phép giám sát cuộc bầu cử và số lượng giám sát viên sẽ còn tăng thêm 21 người. Theo số liệu sơ bộ, sẽ có hơn 2.000 nhà báo, phóng viên của Nga và nước ngoài đến đưa tin về cuộc bầu cử.

Châu Yên

N.C.K
(lược dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.