Người Do Thái được ông Obama chọn

02/04/2016 07:00 GMT+7

“Truyền thống người Do Thái của ông ấy là vì một thái độ phục vụ” - một bạn đại học ở Harvard và đồng nghiệp cũ nhận xét về Merrick Garland, người vừa được đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án tối cao liên bang.

“Truyền thống người Do Thái của ông ấy là vì một thái độ phục vụ” - một bạn đại học ở Harvard và đồng nghiệp cũ nhận xét về Merrick Garland, người vừa được đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án tối cao liên bang. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố đề cử người sẽ điền vào chỗ trống ở Tòa án tối cao liên bang Mỹ là ông Merrick GarlandTổng thống Mỹ Barack Obama công bố đề cử người sẽ điền vào chỗ trống ở Tòa án tối cao liên bang Mỹ là ông Merrick Garland
Trước ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố đề cử người sẽ điền vào chỗ trống ở Tòa án tối cao liên bang Mỹ (SCOTUS) sau cái chết đột ngột của thẩm phán Antonin Scalia, hai cộng đồng, tạm gọi là hai “phe”, người Do Thái và người Hindu đều đặt hy vọng vào “người của họ” - những thẩm phán đang là đồng nghiệp ở thủ đô Washington D.C. Và cuối cùng người Do Thái được chọn, dù con đường để ngồi ghế chính thức ở SCOTUS còn phải đợi sự đồng ý của các thượng nghị sĩ.
Nếu ông Merrick Garland được Tổng thống Obama khen ngợi là “một trong những tài năng pháp luật sắc bén nhất” thì các báo khi viết về ông đều nhắc đến người vợ có thành tích học tập không hề kém cạnh, bởi đó là người tốt nghiệp Đại học Harvard hạng ưu và là bạn cùng trường với ông trước khi ông tiếp tục ở Trường luật Harvard.
Còn so về gia đình thì bà Lynn Rosenman có phần “nhỉnh” hơn bởi bà xuất thân từ một gia đình người Do Thái danh giá. Ông nội của bà - Samuel Rosenman từng là thẩm phán Tòa tối cao bang New York và là cố vấn đặc biệt của hai tổng thống Mỹ - Franklin Roosevelt và Harry Truman. Họ gặp nhau lần đầu là tình cờ tại một buổi tiệc, nhưng sau này ông Garland đính chính rằng “có lẽ là do sự cố ý của ai đó”.
Đại học Harvard là nơi gắn kết của hai con người tài năng nên đó là lý do năm 1987 họ tổ chức lễ cưới tại Câu lạc bộ Harvard - nơi chỉ dành cho cựu sinh viên của trường, với nghi thức của người Do Thái do giáo sĩ Charles Lippman thuộc hệ phái Do Thái giáo Cải cách thực hiện. Vợ chồng nhà Garland cũng là thành viên của giáo đoàn Cải cách với hơn 1.000 thành viên ở Washington. Hai con gái của họ, hiện ở tuổi 20, cũng được tổ chức lễ trưởng thành (ở tuổi 13) tại đây dù bản thân ông Garland được làm lễ Mitzah tại một giáo đường Do Thái bảo thủ ở khu ngoại ô đông người Do Thái ở Chicago - nơi ông lớn lên.
Người Do Thái được ông Obama chọn 2Ông Merrick Garland được Tổng thống Obama khen ngợi là “một trong những tài năng pháp luật sắc bén nhất”
Trong bài phát biểu tại buổi công bố đề cử của Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng, ông Garland tự hào nhắc đến nguồn gốc xuất thân của mình: “Gia đình tôi có ảnh hưởng lớn tới con đường dẫn tôi đến ngày hôm nay. Ông bà tôi đã rời khu sinh sống của người Do Thái Pale of Settlement ở biên giới phía tây nước Nga với Đông Âu đầu những năm 1900, bỏ chạy khỏi chủ nghĩa bài Do Thái và hy vọng tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cháu trên đất Mỹ”.
Cha ông Garland sinh ra ở Nebraska trong một gia đình di dân người Do Thái Latvia và mở công ty quảng cáo ngay tại nhà. Khi cha mất năm 2000, Garland tiếp tục được mẹ nuôi dưỡng khát khao phụng sự cộng đồng.
“Truyền thống người Do Thái của ông ấy là vì một thái độ phục vụ” - nhận xét của Jamie Gorelick, bạn đại học ở Harvard và đồng nghiệp của ông Garland tại Bộ Tư pháp. Còn trong mắt của Jay Michaelson - giáo sĩ/cây viết của tờ The Daily Beast The Jewish Daily, ý thức Do Thái của Garland là tiêu biểu cho nhiều người Mỹ gốc Do Thái.
"Tôi có cảm giác rằng Garland không phải là người sùng đạo nhưng rất Do Thái về mặt văn hóa. Tôi nghĩ những trải nghiệm di dân cũng như những giá trị đạo đức Do Thái là hai khía cạnh quan trọng nhất trong ý thức Do Thái của Garland”, Michaelson cho biết.
Từng là thư ký cho ông Garland ở tòa kháng án cuối những năm 1990, Michaelson đưa ra một hình dung đơn giản về người được Tổng thống Obama chọn: “Ông ấy là người làm việc rất có phương pháp, chi tiết và sắc sảo. Ông ấy cực kỳ chú ý đến chi tiết, rất cương quyết, uyên bác và khá tỉ mỉ”.
Không giấu giếm niềm sung sướng ngập tràn trước đề cử của Tổng thống Obama, một giáo sĩ khác là Donah Dov Pesner cho biết: “Một mặt, chúng tôi cực kỳ tự hào. Mặt khác, niềm tin tôn giáo của chúng tôi không liên quan gì đến phẩm chất của một người có thể trở thành thẩm phán Tòa án tối cao liên bang”.
Khẳng định thêm điều này, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Curt Levey nói: “Các thành viên Do Thái của tòa tối cao hiện tại là những người có tư tưởng tự do và tôi chắc rằng điều này phần nào tương quan với sự thật là hầu hết người Mỹ Do Thái đều vậy”.
Người Do Thái được ông Obama chọn 3Các báo khi viết về ông Garland đều nhắc đến người vợ có thành tích học tập không hề kém cạnh, bởi đó là người tốt nghiệp Đại học Harvard hạng ưu và là bạn cùng trường với ông trước khi ông tiếp tục ở Trường luật Harvard
Hai yếu tố trong lai lịch của Garland thu hút sự chú ý lớn nhất lại không liên quan gì đến xuất thân Do Thái của ông. Thứ nhất, ông là người khá ôn hòa so với những thẩm phán tiềm năng khác mà một tổng thống đảng Dân chủ có thể đề cử. Thứ hai, ông đã 63 tuổi, khá lớn tuổi so với tiêu chuẩn một ứng viên SCOTUS.
Trước khi Nhà Trắng công bố quyết định này của ông Obama, nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thề sẽ không tổ chức buổi điều trần đối với bất kỳ ứng viên nào cho đến khi Mỹ có tổng thống mới. Tuy nhiên, danh tiếng của ông Garland là người ôn hòa, trung lập cũng như tiểu sử nghề nghiệp của ông có thể sẽ khiến họ nghĩ lại.
Nếu được bổ nhiệm, Chánh án Tòa kháng án liên bang tại khu vực thủ đô Washington D.C. sẽ là thẩm phán Do Thái thứ 4 của SCOTUS hiện tại và thứ 9 trong lịch sử tổ chức này. Còn chuyện sinh viên Harvard dường như là chuyện hiển nhiên bởi cả 8 thẩm phán hiện nay của SCOTUS đều là cựu sinh viên Harvard hoặc là tốt nghiệp trường Yale (bà Ruth Bader Ginsburg chuyển từ Harvard qua trường Colombia).
Những người Do Thái nổi bật có mặt trong chính phủ của Tổng thống Obama:
1. Ông Tony Blinken, Phó cố vấn an ninh quốc gia
2. Ông Jack Lew, Bộ trưởng Tài chính
3. Ông Daniel Rubenstein, Đại sứ Mỹ ở Syria
4. Ông Dan Shapiro, Đại sứ Mỹ ở Israel
5. Bà Janet Yellen, Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ
6. Ông David Saperstein, người đứng đầu Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao
7. Bà Amy Rosenbaum, Giám đốc công tác pháp lý của Nhà Trắng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.