Người bồi bàn nắm giữ bí mật 'động trời' của hoàng gia Tây Ban Nha

28/06/2021 14:00 GMT+7

Ông Albert Solà Jimenez, một người phục vụ quán rượu ở Catalonia, nói mình là con trai của cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos và đã dành cả đời đi tìm sự thật.

Ông Albert Solà Jimenez, một người phục vụ quán rượu ở Catalonia, Tây Ban Nha, có nhiều thứ để kể về cuộc đời mình.

Chuyện bắt đầu từ khi ông Solà còn là một đứa trẻ mồ côi. Ông được những người nông dân trên một hòn đảo Địa Trung Hải nuôi dưỡng rồi sau đó được chuyển đến một biệt thự ở Barcelona. Các tướng lĩnh và nhà ngoại giao đồn thổi rằng ông “xuất thân cao quý”.

“Sau đó, một mật vụ Tây Ban Nha đến và nói rằng tôi là con trai của nhà vua”, ông Solà kể với The New York Times trong khi mang hai ly rượu cho khách hàng ở La Bisbal d’Empordà, một thị trấn có 10.000 dân tại Catalonia, nơi Tây Ban Nha giáp với Pháp.

Quan hệ cha con của ông Solà chưa được xác nhận. Tuy nhiên, câu chuyện của ông của Solà là vấn đề đau đầu cho cựu quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos I. Ông Carlos đã thoái vị vào năm 2014 và nhường ngôi cho Vua Felipe VI sau một loạt bê bối tài chính.

Về phần mình, ông Solà đã dành nhiều thập kỷ thúc ép người ông cho là cha mình bằng những bức thư viết tay gửi đến dinh thự hoàng gia, các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bản yêu sách, yêu cầu xét nghiệm DNA (không được chấp thuận), đơn kiện (đã bị bác bỏ). Ông được những khách hàng trong quán rượu gọi là “vị vua nhỏ”.

Những manh mối rời rạc

Nhưng ông Solà có thật sự là con trai nhà vua hay không? Ông Solà có một chiếc hộp màu đỏ đựng hai manh mối quan trọng trong ngôi nhà gầns quán rượu.

Manh mối đầu tiên là xét nghiệm di truyền ông đã thực hiện với Ingrid Sartiau, một phụ nữ Bỉ. Như ông Solà, bà Sartiau tuyên bố mình là con của cựu vương Juan Carlos. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông Solà và bà Sartiau có khả năng là anh em cùng cha khác mẹ.

Ông Albert Solà Jimenez

Chụp màn hình The New York Times

       

Tài liệu thứ hai là tờ giấy khai sinh viết ông Solà sinh năm 1956. Điều này sẽ khiến ông Solà trở thành con trai cả của cựu vương Juan Carlos nếu quan hệ cha con giữa họ là có thật. Người bồi bàn này có thể đã có số phận khác: trở thành nhà vua Tây Ban Nha.

“Trường hợp này có thể mang lại rắc rối cho hoàng gia Tây Ban Nha”, Rebeca Quintáns, người viết tiểu sử cựu vương Juan Carlos, nói với The New York Times.

Câu chuyện cuộc đời và xuất thân của ông Solà cũng thể hiện lịch sử Tây Ban Nha. Ông là một trong số khoảng 300.000 người trở nên mồ côi dưới chế độ độc tài của Tây Ban Nha, chế độ kết thúc vào những năm 1970.

Thời đó, những đứa trẻ có ba mẹ là đối thủ chính trị hay là con ngoài giá thú bị phân tán trong hệ thống nhận con nuôi rối rắm của Tây Ban Nha. Nước này đang xem xét việc cải tổ hệ thống để giúp thế hệ trẻ mồ côi này tìm kiếm thông tin về cha mẹ dễ dàng hơn.

“Câu chuyện của ông Solà có thể là thật. Lúc đó, những người phụ nữ mang thai ngoài giá thú thường giấu và giao con cho các gia đình khác”, María José Esteso Poves, chuyên gia về thời kỳ này của Tây Ban Nha, cho biết.

Phát ngôn viên của gia đình hoàng gia không bình luận về câu chuyện của ông Solà. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng vì là đứa con không được thừa nhận, ông Solà có rất ít cơ hội để kế vị ngai vàng theo Hiến pháp của Tây Ban Nha.

Cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos vào năm 2003

Chụp màn hình The New York Times

       

Nhiều người cho rằng ông Solà là bản sao của chính cựu vương Juan Carlos khi ông cũng có chiếc mũi cao và đôi mắt trũng sâu. Ông Solà cũng nói khuôn mặt là bằng chứng rõ ràng nhất về xuất thân của ông. Tuy nhiên, khi còn nhỏ, ông Solà đã nhận ra điều ông khiến ông khác biệt với những đứa trẻ mồ côi còn lại.

Người ta nói rằng tên khai sinh của ông Solà, Alberto Fernando Augusto Bach Ramón, có khí chất quý tộc. Sau khi ra đời, ông Solà được đưa từ Barcelona đến đảo Ibiza ngoài khơi Địa Trung Hải và được một gia đình nông dân nuôi dưỡng.

Bà Eulalia Marí (90 tuổi), con của người đã chăm sóc ông Solà những năm đó, cho biết việc nuôi hộ con ngoài giá thú của các gia đình từ đất liền là điều bình thường. Tuy nhiên, trường hợp của ông Solà đặc biệt hơn. Bà Marí nói gia đình đã được trả gần gấp đôi số tiền thông thường mỗi tháng để chăm sóc ông Solà.

Ông Solà cho biết mình trở lại Barcelona năm 1961. Ông vẫn nhớ việc mình sống trong một dinh thự rộng lớn, có vườn và những bức tường cao. Ban ngày, ông được giáo viên đến nhà dạy học. Một phụ nữ lớn tuổi, người ông Solà cho là bà mình, thường đến thăm và cho ông đồ chơi.

Năm 8 tuổi, ông Solà lại chuyển đến nhà nông dân Salvador Solà ở tỉnh Girona, gần biên giới Pháp. Dù gia đình này nghèo khó, ông Solà lại nhận thấy mình đang được những người khác chăm lo. Sau khi học lái xe, ông đột nhiên nhận được một chiếc xe máy và một chiếc ô tô đắt tiền. Ông cũng nói mình được đối xử đặc biệt trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở độ tuổi 20.

Đi tìm câu trả lời

Những điều này thôi thúc ông Solà đi tìm xuất thân của mình. Năm 1982, ông đến nơi lưu giữ hồ sơ nhận con nuôi tại Barcelona. Ông Solà cho biết giám đốc văn phòng khi đó giúp đỡ ông khá miễn cưỡng. Tuy nhiên, người này cũng ẩn ý: “Đây là ca nhận con nuôi phức tạp nhất trong lịch sử của trung tâm này”.

Năm 1999, ông Solà sống ở Mexico. Các nhà ngoại giao nói với ông Solà rằng họ nghĩ ông xuất thân từ một gia đình quyền thế. Ông quay lại Tây Ban Nha và nộp đơn lên tòa yêu cầu xem hồ sơ nhận nuôi của mình. Theo ông Solà, thẩm phán đã yêu cầu gặp ông và nói Juan Carlos, người lúc đó đang tại vị, là cha ông. Tuy nhiên, vị thẩm phán trong câu chuyện trên, Jorge Maza, cho biết ông chưa bao giờ nói vậy với ông Solà.

Năm 2007, ông Solà gửi một bức thư qua fax đến Cung điện Zarzuela cho vua Juan Carlos. Đầu bức thư tay, ông Solà viết “Cha thân yêu”.

Sau đó, ông Solà nhận được tờ giấy cho biết bức thư “đã được gửi đến bệ hạ”. Dòng chữ được viết trên tờ giấy có biểu tượng của nhà vua và chữ ký của người đứng đầu nghi thức hoàng gia.

Trang trại ở tỉnh Girona gần biên giới Pháp, nơi ông Solà lớn lên

Chụp màn hình The New York Times

Ông Solà đã rất vui mừng đợi tin từ nhà vua. Tuy nhiên, lá thư ông mong chờ không bao giờ đến. Vì vậy, ông Solà tiếp tục viết thư, nhưng với giọng điệu tức giận.

“Cho tôi câu trả lời và tôi sẽ không làm phiền ông nữa. Tôi hết kiên nhẫn rồi", ông Solà viết.

Vào khoảng thời gian đó, ông Solà tình cờ gặp một người tự nhận là nhân viên tình báo Tây Ban Nha. Người này nói ông tin các câu chuyện của ông Solà.

Người này cho biết các đồng nghiệp của ông từng được xem hình ảnh ông Solà chơi với mẹ của cựu vương Juan Carlos khi còn nhỏ. Và ông Solà tin rằng đó là người phụ nữ thường gặp ông tại biệt thự ở Barcelona.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.