Ngoại trưởng Mỹ nói không có giải pháp quân sự ở Biển Đông

31/08/2016 16:20 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 31.8 kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài về vấn đề tranh chấp Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp quân sự cho vấn đề Biển Đông.

Ông Kerry đưa ra tuyên bố trên nhân chuyến thăm Ấn Độ trước thềm thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc vào ngày 4 - 5.9 được dự đoán sẽ có nhiều tranh luận về vấn đề Biển Đông, các nhà ngoại giao cho hay, theo Reuters.
Toà trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) hồi tháng 7.2016 đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, theo đó Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường lưỡi bò” hay "đường chín đoạn" chiếm trọn gần cả Biển Đông. Và Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này của PCA.
“Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của PCA mang tính rằng buộc pháp lý đối với hai bên”, ông Kerry phát biểu với các sinh viên Ấn Độ tại thủ đô New Delhi.
Ông Kerry cho biết Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và nhấn mạnh “không có giải pháp quân sự”.
Sau cuộc hội đàm về vấn đề an ninh vào ngày 30.8, Ngoại trưởng Mỹ và Ấn Độ đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuần tra trên biển và trên không nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi các bên giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình và “tự kiềm chế và tránh những hoạt động có thể phức tạp hóa hoặc làm leo thang căng thẳng gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Philippines, đồng minh của Mỹ, hoan nghênh phán quyết của PCA nhưng không muốn chọc giận Trung Quốc, theo Reuters. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố ông sẽ không thảo luận với Trung Quốc về phán quyết của PCA.
Trung Quốc từng tuyên bố sẽ áp dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ "chủ quyền" của nước này ở Biển Đông, đồng thời ngang ngược cho rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là vì mục đích hòa bình (?).
Bắc Kinh còn cáo buộc Mỹ và các đồng minh trong khu vực, như Nhật Bản và Úc, can dự vào vấn đề Biển Đông làm leo thang căng thẳng.
Mỹ và Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nhấn mạnh ưu tiên của họ là duy trì tự do hàng hải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.