Ngờ vực gia tăng tại ‘cửa ngõ châu Âu’ của Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
26/02/2021 11:37 GMT+7

Trung Quốc xem các nước Balkan là cửa ngõ vào châu Âu, nhưng khu vực này ngày càng thận trọng trước những lời hứa hẹn của Bắc Kinh.

Vào năm 2012, Trung Quốc nhận được vòng tay rộng mở từ các nước Trung Âu và Đông Âu, khi Bắc Kinh thành lập và đẩy mạnh cơ chế 16+1, sau đó mở rộng thành 17+1 với thành viên mới là Hy Lạp.
Gần 1 thập niên sau đó, theo trang The Diplomat, cơ chế này có lẽ là thất bại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Một trong những biểu hiệu là việc hầu hết các thành viên trong nhóm 17 nước đều ký bản ghi nhớ với Mỹ nhằm đối phó hãng Huawei của Trung Quốc tiếp cận mạng 5G.
Mới đây, 6 nước châu Âu gồm, Bulgaria, Romania, Slovenia, Lithuania, Latvia và Estonia đã không còn cử lãnh đạo đến dự hội nghị thượng đỉnh 17+1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà thay vào đó cử các đại diện cấp thấp hơn.

Cửa ngõ châu Âu

Tại vùng Balkan, Montenegro là một trong những nước nhỏ tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc để phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19, dù giới quan sát nhận thấy tình trạng ngờ vực ngày càng gia tăng đối với các lời hứa hẹn của Bắc Kinh.
Một trong những dự án tại nước này, được cấp vốn bởi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, là dự án xa lộ trị giá 750 triệu USD. Dự án bị chỉ trích về việc khiến nợ công của Montenegro tăng đến 80%.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, các nước khu vực Balkan vẫn bị thu hút bởi dòng vốn từ Trung Quốc, thể hiện qua các số liệu về đầu tư.
Vào năm 2010, 4 thành viên EU là Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovekia nhận tổng cộng 78% đầu tư của Trung Quốc vào 16 nước Trung Âu và Đông Âu, trong khi chỉ 20% đầu tư vào các nước Balkan.
Tuy nhiên, đến năm 2019, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Balkan tăng gấp đôi lên 41%. Trung Quốc còn cam kết cung cấp vắc xin Covid-19 cho các nước Balkan.
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 17+1 hôm 9.2, có 53 thỏa thuận thương mại và vốn vai được công bố, trong đó gần phân nửa dành cho 5 nước Serbia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Albania và North Macedonia.

Ngờ vực về lâu dài

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng trong thời gian gần đây, việc đầu tư tại khu vực này của Trung Quốc đang làm dẫn đến nhiều ngờ vực.
Theo chuyên gia Vuk Vuksanovic tại Trung tâm Chính sách an ninh Belgrade (Serbia), trong khi thế giới đối phó đại dịch Covid-19 và việc mở rộng EU không có tiến triển trong khu vực, các nước lo ngại về những thách thức ngắn và trung hạn đối với phát triển kinh tế và hạ tầng.
“Bên cạnh đó là nghi vấn lâu dài rằng liệu các nước Balkan thậm chí ngày càng rời xa EU hay không, vì các tiêu chuẩn của Trung Quốc khác với châu Âu”, ông phân tích.
Sau gần 1 thập niên của nhóm 17+1, nhiều nước châu Âu ngày càng tỏ ra không hài lòng với kết quả, đồng thời chỉ ra thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thất bại trong việc tạo việc làm, và việc Bắc Kinh chậm mở cửa thị trường để tiếp nhận xuất khẩu nông sản.
Mới đây, sau khi hủy bỏ việc tham gia của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) vào dự án nhà máy điện hạt nhân Cernavoda, chính phủ Romania vào tháng 1 đã thông báo ý định cấm các công ty Trung Quốc dự thầu về hạ tầng.
Theo The Diplomat, phía Romania cho rằng các nhà thầu Trung Quốc thường khiếu nại khi không trúng thầu nên khiến các dự án bị trì trệ. Cũng trong tháng 1, Cộng hòa Czech thông báo loại CGN khỏi danh sách đấu thầu xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Dukovany.
Vì sao là Balkan?
Theo chuyên gia Vuk Vuksanovic tại Trung tâm Chính sách an ninh Belgrade (Serbia), xét về địa chính trị lẫn thị trường thì giới lãnh đạo Trung Quốc xem vùng Balkan là cửa ngõ vào châu Âu. “Hơn nữa, một số quốc gia như Serbia là ứng viên tham gia Liên minh châu Âu (EU), điều sẽ có lợi cho tham vọng của Trung Quốc trong việc kết nối với các thị trường EU. Mối quan hệ chính trị là kết quả từ tham vọng của Trung Quốc và mong muốn của các nước này trong việc tìm hiểu cơ hội mà Trung Quốc đưa ra”, ông phân tích.
Chuyên gia Filip Sebok tại Hiệp hội Quan hệ quốc tế (Cộng hòa Séc) cho rằng dù phần lớn các dự án hạ tầng của Trung Quốc dựa trên vốn vay, đề nghị của Trung Quốc vẫn thu hút các nước tây Balkan vì muốn có nguồn lực để theo kịp phần còn lại của lục địa. “Các nước Balkan nói chung dễ tiếp nhận mô hình làm ăn của Trung Quốc hơn. Có ít rào cản về quy định hơn và môi trường thân thiện tích cực cũng là một yếu tố”, theo ông Sebok.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.