Nghiện game nguy hiểm không kém nghiện ma túy, cờ bạc

Khánh An
Khánh An
19/06/2018 15:48 GMT+7

Cách xếp loại mới vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức đưa ra, kèm theo cảnh báo về tình trạng bệnh lý nghiện game.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho biết trò chơi điện tử cũng có thể gây nghiện theo cách tương tự như nghiện cocain hoặc cờ bạc trong bảng cập nhật Phân loại quốc tế các bệnh (ICD).
“Sau khi tham vấn với các chuyên gia trên thế giới và xem xét kỹ lưỡng các chứng cứ, chúng tôi quyết định bổ sung tình trạng nghiện này [vào danh sách]”, AFP dẫn lời ông Shekhar Saxena, giám đốc bộ phận sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất kích thích của WHO, cho biết.
Tình trạng “rối loạn chơi game” trên mạng và cả game không kết nối mạng được xếp vào nhóm “rối loạn do sử dụng chất hoặc hành vi nghiện ngập”, theo bản ICD mới nhất với những cập nhật lớn nhất kể từ 3 năm qua.
Trước đó vào tháng 1, WHO tuyên bố tình trạng nghiện game sẽ được coi là tình trạng bệnh lý. Các triệu chứng bao gồm “suy giảm kiểm soát”, biểu hiện cụ thể nhất là không thể dừng chơi, và việc tập trung vào game đồng thời không chú ý đến bất cứ điều gì khác.
“Đây là những người chơi game nhiều đến mức phớt lờ mọi sở thích và hoạt động khác, kể cả ăn và ngủ”, ông Saxena nói.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, người chơi không thể rời mắt khỏi màn hình và dẫn đến bỏ học, mất việc làm và bị tách biệt khỏi gia đình và bạn bè không chơi game. Đa phần những người chơi game lão luyện thường là người trẻ, nhất là thiếu niên.
Các triệu chứng thường kéo dài ít nhất 1 năm trước khi bị coi là nguy hiểm cho sức khỏe. Theo ông Saxena, khoảng 2,5 tỉ người, tương đương 1/3 dân số thế giới, chơi một loại game nào đó, nhất là trên điện thoại, nhưng sự rối loại chỉ ảnh hưởng “một số ít”.
Năm ngoái, ngành công nghiệp game trên thế giới đạt doanh thu 108 tỉ USD (2,44 triệu tỉ đồng), hơn gấp đôi so với doanh thu từ rạp chiếu phim. Khoảng 40% doanh thu game là từ châu Á, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các thị trường quan trọng khác gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Brazil. Tại Mỹ và Hàn Quốc, nhiều bệnh viện mọc lên để chữa nghiện game, cùng với nhiều tổ chức cộng đồng và trên mạng hỗ trợ cai nghiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.