Nghiên cứu về cỗ máy nano thắng giải Nobel Hóa học 2016

05/10/2016 17:34 GMT+7

Bộ ba nhà khoa học Sir Fraser Stoddart, Bernard L Feringa và Jean-Pierre Sauvage ngày 5.10 đã được trao giải Nobel Hóa học 2016 vì các thiết kế và tổng hợp máy phân tử.

Những người thắng giải Nobel Hóa học năm nay được vinh danh nhờ việc phát triển được các thao tác trên cỗ máy cỡ phân tử, trong đó bao gồm kiểm soát được các cấu trúc cỡ nano, từ đó chuyển đổi năng lượng hóa học thành lực cơ học và chuyển động.

Nghiên cứu này cho phép các nhà khoa học xây dựng được hàng loạt những thiết bị phân tử từ việc chuyển đổi sang động cơ, theo The Guardian.

Những cổ máy có độ lớn chỉ bằng 1/1000 sợi tóc này được kỳ vọng nhiều nhất khi giúp phân phối thuốc trực tiếp trong cơ thể bằng cách biến chuyển đổi hóa học thành cơ học, ví dụ áp dụng trực tiếp trong điều trị ung thư, theo BBC.

Cỗ máy phân tử, hay cỗ máy nano, là dạng thiết bị được xây dựng từ những cấu trúc bậc nano có thể thực hiện những thao tác tương tự như chuyển động cơ học đáp ứng với một kích thích từ bên ngoài, tức kích thích đầu vào. Nếu thực hiện thành công cấu trúc máy dạng này, nó sẽ cho phép con người thực hiện các thao tác có chọn lọc và cung cấp giải pháp hữu hiệu cho sự chuyển đổi hóa chất trong y học nano.

Trong quá khứ, những người đam mê hóa học thường “bất bình” vì giải Hóa học thường hiếm khi trao cho những nhà hóa học thực thụ. Đây là một một nghiên cứu hóa học cơ bản, nhưng thành quả của bộ ba nhà khoa học Sir Fraser Stoddart, Bernard L Feringa và Jean-Pierre Sauvage được cho sẽ cung cấp giải pháp đáng ghi nhận đối với việc sản xuất vật liệu thông minh và chuyển đổi hóa chất y học.

Ông Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 tại Paris, Pháp. Hiện tại ông Sauvage là giáo sư danh dự tại Đại học Strasbourg và là giám đốc danh dự tại Trung tâm quốc gia về Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS).

Sir Fraser Stoddart sinh năm 1942 ở Edinburgh, Scotland, còn ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan, là giáo sư về hóa học hữu cơ tại Đại học Groningen, Hà Lan.

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học đã được trao cho ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar vì công trình nghiên cứu về các cơ chế sửa chữa ADN trong tế bào, theo The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.