Nghiên cứu mới cổ súy Trung Quốc gia tăng quấy rối ở Biển Đông?

Văn Khoa
Văn Khoa
04/02/2021 19:08 GMT+7

Một nhóm học giả Trung Quốc kêu gọi dùng hệ thống không người lái để bảo vệ lợi ích biển trong khi một số chuyên gia cảnh báo thiết bị đó sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng đáng kể khả năng quấy rối ở Biển Đông.

Trong tuần qua, một nghiên cứu với tựa đề “Nghiên cứu thiết bị không người lái để bảo vệ các quyền lợi biển” xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội Trung Quốc sau khi nghiên cứu này được đăng trên chuyên san Strategic Study of CAE, do Viện Công trình Trung Quốc (CAE) giám sát, vào cuối năm ngoái.
Nhóm tác giả của nghiên cứu này đến từ Học viện nghiên cứu hải quân của Trung Quốc và Trường Khoa học và Công nghệ biển thuộc Đại học Công nghệ Tây Bắc. Trong đó, Đại học Công nghệ Tây Bắc thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc và gần đây đã bị Washington cấm trao đổi, phối hợp nghiên cứu với phía Mỹ, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Trung Quốc cũng “đốt mặt thách thức nghiêm trọng”?

Theo nghiên cứu trên, Trung Quốc đang đối mặt “thách thức nghiêm trọng” trong việc bảo vệ các lợi ích biển. Nhóm tác giả ngang ngược đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, đánh tráo sự thật tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thực tế, Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Hôm 29.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Bắc Kinh gần đây có động thái gây quan ngại khi ngày 22.1 ban hành Luật Hải cảnh cho phép Lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1.2.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 6.2014

Độc Lập

Hôm 27.1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho hay Manila đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về Luật Hải cảnh. Đến ngày 29.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng nêu rõ: “Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”.
Trong khi đó, nhóm học giả nói trên cho rằng Trung Quốc không có đủ số lượng tàu hải cảnh và máy bay để tuần tra và bảo vệ cái gọi là bờ biển rộng lớn của Trung Quốc và khoảng trống này có thể được bù đắp bằng những hệ thống không người lái, gồm tàu nổi không người lái, máy bay không người lái và thiết bị tự hành dưới nước. Họ lập luận được hỗ trợ bởi các bộ cảm biến và chương trình phân tích dữ liệu lớn, những hệ thống không người lái có thể thu thập, báo cáo thông tin một cách tự động cũng như thực hiện hàng loạt cái gọi là “nhiệm vụ” như cảnh báo và đuổi tàu.

“Tăng khả năng cưỡng ép của Trung Quốc”

Chuyên gia an ninh Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng hệ thống không người lái hữu dụng nhất đối với Trung Quốc có thể là các thiết bị giám sát trên không vì thiết bị này có thể hỗ trợ cải thiện việc nhận biết tình hình và cung cấp thông tin chi tiết về các tàu riêng lẻ, theo SCMP. “Các hệ thống không người lái hoạt động trên mặt biển và dưới nước cũng có thể hỗ trợ nhận biết tình hình. Những thiết bị này hiệu quả nhất nếu được sử dụng trong việc phối hợp với tàu nổi có người lái và máy bay. Những thiết bị không người lái có thể cung cấp thông tin tình báo cho các tàu tuần duyên cũng như tàu và máy bay hải quân”, ông Heath bình luận.
Tuy nhiên, ông Heath cảnh báo: “Các nước láng giềng có thể phản đối việc xâm nhập của những hệ thống không người lái theo dõi và giám sát hành vi của họ, vì những hệ thống này có thể gia tăng đáng kể khả năng của Trung Quốc quấy rối và cưỡng ép các bên tranh chấp khác”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc (lớn) trong một lần so kè với tàu tiếp tế Philippines ở Biển Đông

AFP

Tương tự, ông Malcolm Davis, nhà phân tích kỳ cựu về chiến lược quốc phòng tại Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc, cho rằng Trung Quốc sẽ gặp sự phản đối mạnh mẽ nếu dùng các hệ thống không người lái một cách hung hăng. “Những hành động của Trung Quốc trong khu vực cũng sẽ bị thách thức bởi các nước khác, trong đó có Indonesia, và cũng như Mỹ và Nhật Bản, Úc lâu nay triển khai các lực lượng hải và không quân tới Biển Đông để thể hiện quyền đi qua các vùng biển quốc tế”, ông Davis bình luận, theo SCMP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.