Nghịch lý máy bay không người lái... tốn nhân lực của Mỹ

12/03/2021 10:40 GMT+7

Dù là máy bay không người lái (UAV) nhưng MQ-9 Reaper cần nguồn nhân lực đáng kể để vận hành và bảo dưỡng.

Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt Mỹ (SOCOM) năm ngoái đề xuất ngân sách 101 triệu USD để mua 5 máy bay phục vụ cho chương trình Giám sát có vũ trang. Đây là chương trình có mục tiêu mua 75 máy bay hạng nhẹ nhằm hỗ trợ tấn công mặt đất, tấn công chính xác và làm nhiệm vụ trinh sát, tình báo.
Theo Forbes, SOCOM hiện sử dụng loại máy bay cánh quạt cỡ nhỏ U-28A, phiên bản quân sự của máy bay thương mại PC-12 Pilatus, để có thể hoạt động từ các sân bay nhỏ, hỗ trợ hoạt động trinh sát tại các vùng xa xôi.
Máy bay U-28A được cho là sẽ sớm “về hưu” nên SOCOM đang tìm kiếm những loại khác để thay thế như AT-6 Wolverine (phiên bản có vũ khí của máy bay huấn luyện T-6) và A-29 (phiên bản do Mỹ sản xuất của máy bay EMB 314 Super Tucano thuộc hãng Embraer của Brazil). Mới đây, một cái tên khác nổi lên như là ứng viên tiềm năng, máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper.

Máy bay AT-6 trong một chuyến bay thử nghiệm

Không quân Mỹ

SOCOM đã sử dụng MQ-9 cho nhiều nhiệm vụ nhưng tham gia chương trình Giám sát có vũ trang sẽ là một vai trò hoàn toàn mới cho loại UAV này.
Tướng Mark Kelly, tư lệnh Bộ Chỉ huy tác chiến trên không (ACC), mới đây nhận xét khả năng hoạt động bền bỉ của MQ-9 so với các máy bay khác giúp nó trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các chiến dịch tại những nơi như châu Phi, nơi các máy bay cần có tầm hoạt động rộng.
Phiên bản cơ bản của UAV MQ-9 có thể hoạt động liên tiếp trong 32 giờ trong khi số liệu của không quân Mỹ cho thấy UAV này có tầm hoạt động 1.850 km. Tướng Kelly nói có rất ít UAV trên thế giới có thể hoạt động lâu hơn MQ-9.
 

Máy bay A-29 trong một chuyến bay huấn luyện

Không quân Mỹ

Một lợi thế khác của UAV này là trong trường hợp máy bay bị rơi, sẽ không cần triển khai lực lượng để giải cứu phi công như đối với các máy bay có người lái, vốn thường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tuy nhiên, vấn đề khi sử dụng MQ-9 là UAV này cần nhiều nhân lực để vận hành, dù là máy bay “không người lái”. Tướng James Slife, người đứng đầu Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt không quân, mới đây cho rằng MQ-9 Reaper hoàn toàn có thể tham gia chương trình Giám sát có vũ trang nhưng tồn tại trở ngại về việc UAV này cần đường băng dài để cất cánh và cơ sở hạ tầng để vận hành, những điều khó đáp ứng ở một số chiến trường xa xôi, theo Air Force Magazine.

Quân nhân kiểm tra một chiếc MQ-9 trước một chuyến bay

Không quân Mỹ

Máy bay MQ-9 có thể được điều khiển thông qua vệ tinh nhưng việc cất và hạ cánh cần nhân lực mặt đất để hỗ trợ. Ngoài ra, các hệ thống điện tử của UAV này rất dễ bị nóng lên, khiến pin năng lượng, camera và radar ngừng hoạt động, dẫn đến nhiệm vụ thất bại. Để giải quyết vấn đề này, không quân Mỹ cần thêm nhân lực mặt đất để xử lý nhiệt cho MQ-9 bằng một hệ thống làm mát trước mỗi chuyến bay.
Về lâu dài, UAV sẽ đóng vai trò lớn trong việc thực hiện các hoạt động từ các căn cứ hoàn toàn tự động hoặc các con tàu tự hành, không người lái. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, những máy bay không người lái cỡ lớn như MQ-9 Reaper vẫn cần nhân lực đáng kể để có thể hoạt động và đó bị coi là điểm yếu cần khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.