Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hòa bình cho Việt Nam

03/01/2017 09:00 GMT+7

Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng bị cáo buộc cố ý phá hoại nỗ lực hòa đàm của chính quyền Lyndon Johnson nhằm kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1968.

Nước Mỹ, trong bất cứ lúc nào, chỉ có “một tổng thống” là người nắm giữ quyền hạn thực thi chính sách đối ngoại nhân danh đất nước. Nguyên tắc này hiện trở thành tâm điểm chú ý trước tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Hai vị hiện có nhiều xung khắc trong lĩnh vực đối ngoại, từ vấn đề Trung Đông cho đến quan hệ với Nga. Nổi bật nhất trong số đó là nghi án Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, dẫn đến những hành động trả đũa của Washington. Vụ việc ầm ĩ này không khỏi gợi nhớ đến nghi án lịch sử cách đây gần 50 năm, khi một chính phủ nước ngoài bị cho là đã can thiệp để lèo lái kết quả bầu cử Mỹ, với sự thông đồng của một ứng cử viên tổng thống. Đó là cuộc bầu cử năm 1968, với ứng cử viên Richard M.Nixon.
Hòa bình trong danh dự
Suốt cuộc đời mình, ông Nixon luôn phủ nhận chuyện bí mật liên hệ với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu để lèo lái dư luận theo hướng có lợi cho mình trong cuộc bầu cử năm đó. Tuy nhiên hầu như tất cả những người liên quan đều khẳng định điều ngược lại. Trong cả hai cuốn The Palace File (tựa Việt: Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, NXB Trẻ, 1990; và Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, NXB Công an Nhân dân, 2003) và Khi đồng minh tháo chạy, tác giả Nguyễn Tiến Hưng, cựu phụ tá của ông Nguyễn Văn Thiệu, đều dành một chương để viết về câu chuyện “bầu cho Nixon”, với phần xác nhận của nhiều nhân chứng.
Đạo luật Logan
Những hành vi của Nixon và Chennault bị cho là vi phạm đạo luật Logan ban hành năm 1799, vốn cấm các công dân tham gia đàm phán với các chính phủ nước ngoài có tranh chấp với Mỹ. Trong thời gian tranh cử và cả sau khi đắc cử, ông Donald Trump cũng thường xuyên bị cáo buộc vi phạm đạo luật này.
Vào năm 1968, sau khi tuyên bố không tái cử và ủng hộ Phó tổng thống Hubert Humphrey đại diện tranh cử, Tổng thống Lyndon Johnson đã nỗ lực khởi động tiến trình hòa đàm nhằm tìm lối thoát “hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam. Trong mùa thu, Nixon dẫn trước đối thủ Humphrey nhưng khoảng cách bị thu hẹp dần trong tháng 10. Nixon lo ngại rằng một bước đột phá hướng đến hòa bình có thể mang lại chiến thắng cho Humphrey, người chủ trương kết thúc sớm chiến tranh.
Theo sử gia John A.Farrell viết trên tờ The New York Times, Henry Kissinger, khi đó là một cố vấn của đảng Cộng hòa, đã báo động Nixon rằng nếu Johnson ngưng toàn bộ các chiến dịch ném bom miền Bắc thì Hà Nội nhiều khả năng sẽ tham gia đàm phán. Chính vì vậy, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa quyết định sử dụng đầu mối liên lạc của ông với chính quyền Sài Gòn nhằm gây sức ép lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để phá hoại nỗ lực hòa bình. Vụ “đi đêm” này đã khiến cuộc chiến Việt Nam kéo dài thêm nhiều năm, dẫn đến không biết bao nhiêu tổn thất về xương máu của các bên liên quan.
Kênh liên lạc bí mật
Nhân vật trung tâm trong vụ “đi đêm” của Nixon là một khuôn mặt nổi bật trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ, bà Anna Chennault, người gây quỹ của đảng Cộng hòa. Bà Chennault (tên thời con gái là Trần Hương Mai) là quả phụ của tướng Claire Lee Chennault, chỉ huy phi đoàn Phi Hổ (Flying Tigers), nhóm tình nguyện của Mỹ chi viện cho không quân Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai. Vì thế, bà có nhiều mối quan hệ rộng khắp ở châu Á.
Theo tờ The New York Times, Nixon còn tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan. Các phụ tá của Nixon cũng liên hệ với một nhân vật vận động hành lang của Quốc dân đảng là doanh nhân Louis Kung (Khổng Lệnh Kiệt, con trai Tống Ái Linh và là cháu vợ của Tưởng Giới Thạch) để nhờ ông này khuyên nhủ Nguyễn Văn Thiệu.
“Ông Thiệu bị phe Dân chủ làm áp lực nặng. Công việc của tôi hồi ấy là cố giữ cho ông ta đừng thay đổi ý kiến”, bà Chennault được trích lời trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy. Trong năm 1968, bà Chennault thường xuyên liên hệ với Đại sứ VNCH tại Mỹ Bùi Diễm để truyền đạt các thông điệp từ Nixon. Theo BBC, trong một cuộc gặp gỡ ở căn hộ của Nixon tại New York vào tháng 7.1968, ông Bùi Diễm được thông báo rằng bà Chennault sẽ đại diện cho Nixon. Nếu có thông điệp nào cần được chuyển đến Nguyễn Văn Thiệu thì nó sẽ được chuyển thông qua bà Chennault.
Cuối tháng 10.1968, có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ chấp nhận tham gia vào các cuộc đàm phán ở Paris, mang lại cho Johnson cái cớ để ngưng ném bom và xúc tiến hòa đàm. Đây chính là điều Nixon lo sợ. Vì thế, Chennault được cử đến Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa với một thông điệp rõ ràng: chính quyền Sài Gòn hãy từ chối đàm phán và nếu Nixon đắc cử, họ sẽ có một thỏa thuận tốt hơn. Kết quả là ngay sau khi đưa ra tuyên bố ngưng ném bom vào ngày 31.10.1968, Johnson được báo cáo rằng chính quyền Sài Gòn sẽ không tham gia đàm phán.
Động thái này xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử và được cho là đã giúp Nixon chiến thắng vào ngày 5.11. Trong hồi ký của mình, Johnson nhận xét: “Ngày 1.11.1968, sau khi cho hay là sẽ đi dự hòa đàm Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa lại quyết định không tham dự. Tôi tin chắc rằng sự việc đó đã làm cho ông Humphrey thất cử”.
Cũng trong ngày 1.11, Johnson nhận được báo cáo giải thích về câu chuyện rút lui của Nguyễn Văn Thiệu. Cục Điều tra Liên bang (FBI) trước đó đã nhận chỉ thị giám sát bà Chennault và nghe lén Đại sứ quán VNCH. Báo cáo của FBI cho biết Chennault đã “liên hệ với Đại sứ Nam Việt Bùi Diễm… và khuyên ông ta rằng bà đã nhận được một thông điệp từ sếp của mình… để đích thân chuyển đến ngài đại sứ. Bà ấy nói thông điệp là “Hãy gắng chờ. Chúng ta sắp thắng… Hãy nói sếp của ngài gắng chờ””.
Trong một cuộc trò chuyện sau đó với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Everett Dirksen, Johnson đã nguyền rủa Nixon: “Đây là tội phản quốc”. Các phụ tá của Johnson cũng hối thúc ông công khai “bàn tay vấy máu” của Nixon. Tuy nhiên trong một cuộc họp ngày 4.11, họ kết luận rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục về sự dính líu trực tiếp của Nixon. Ngày hôm sau, Nixon đắc cử để trở thành tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Còn bằng chứng về sự chỉ đạo trực tiếp của Nixon trong vụ bê bối còn tồi tệ hơn cả vụ Watergate này chỉ được hé lộ sau nhiều thập niên. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.