Ngày lịch sử của thủ đô Washington, D.C

22/06/2021 08:00 GMT+7

Dự kiến, Thượng viện Mỹ hôm nay 22.6 (theo giờ địa phương) có phiên điều trần về việc thủ đô Washington, D.C trở thành tiểu bang thứ 51 của nước này, điều mà bao thế hệ người dân của thủ đô này đấu tranh nhưng chưa thành.

Kiếp con rơi !

Đó là cách mà một người bạn sống tại Washington, D.C từng ví von khi nhận xét về hiện trạng của thủ đô này: người dân không có được các quyền hạn như dân chúng của 50 tiểu bang ở nước Mỹ.
Ngược dòng lịch sử, đô thị Washington, D.C ngày nay được thành lập vào năm 1790 với các phần đất chủ yếu thuộc bang Virginia hoặc bang Maryland. Thời gian đầu, người dân của đô thị này vẫn được quyền bỏ phiếu đầy đủ với tư cách là công dân của Virgina hoặc Maryland.
Đến năm 1800, trụ sở quốc hội Mỹ được chuyển đến vùng đô thị trên, rồi quốc hội chính thức thông qua đạo luật Đặc khu Columbia (District of Columbia - D.C) vào năm 1801, đặt khu vực này nằm trực tiếp dưới sự kiểm soát của chính quyền liên bang. Đạo luật cũng tước bỏ quyền bỏ phiếu của cư dân D.C trong tất cả cuộc bầu cử liên bang, bao gồm cả bầu cử tổng thống và quốc hội nắm quyền giám sát D.C.
Khi đó, TP.Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong D.C. Cho đến khi quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật vào năm 1871 kết hợp TP.Washington và D.C. Đó là lý do ngoài tên chính thức D.C thì vùng đô thị này còn có tên là Washington, D.C có nghĩa là TP.Washington, Đặc khu Columbia.
Kể từ đó, dù tồn tại như một tiểu bang, nhưng Washington, D.C lại vẫn bị ràng buộc bởi những đạo luật ngày trước khiến cư dân tại đây bị giới hạn rất nhiều về quyền lợi. Mãi đến năm 1961, Mỹ thông qua Tu chính án thứ 23 cho phép người dân của Washington, D.C được tham gia bầu cử tổng thống nhưng không có nhiều hơn 3 phiếu đại cử tri đoàn - đây là số phiếu của Wyoming, tiểu bang có dân số ít nhất tại Mỹ.
Rồi đến năm 1973, đô thị này mới được trao quyền bầu chọn hội đồng thành phố và có một đại diện trong Hạ viện, nhưng vị đại diện này chỉ được tham gia thảo luận, góp ý chứ không có quyền bỏ phiếu. Washington, D.C cũng không có đại diện trong Thượng viện.
Kể từ đó đến nay, nhiều phong trào tiếp tục hình thành để đấu tranh cho Washington, D.C trở thành một tiểu bang, vì cho rằng người dân tại đây đã đóng thuế và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với liên bang nhưng không có quyền lợi như người dân các tiểu bang.
Đô thị này hiện có dân số khoảng 700.000 người, đông hơn 2 tiểu bang Wyoming và Vermont. Washington, D.C cũng đóng góp thuế liên bang nhiều hơn 22 tiểu bang và đứng đầu cả nước về mức thuế liên bang tính trên đầu người.
Từ thực tế trên, tháng 11.2000, Cơ quan Quản lý giao thông Washington, D.C phát hành biển số xe có dòng chữ “Taxation without representation” (tạm dịch: Đóng thuế nhưng không có được đại biểu) nhằm chỉ trích việc người dân tại đây thực hiện đầy đủ nghĩa vụ mà không được hưởng quyền lợi ở quốc hội.

Bất đồng đảng phái

Sau khi ra đời dòng chữ trên, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đã cho gắn biển số này trên các chiếc xe chuyên dụng dành cho tổng thống trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đến người kế nhiệm là Tổng thống George W.Bush thì biển số xe có dòng chữ trên bị tháo ra khỏi các xe chuyên dụng dành cho tổng thống Mỹ. Các biển số chỉ được gắn lên trở lại dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Sở dĩ có những hành động trên là vì trong khi phần lớn chính trị gia phe Dân chủ ủng hộ việc Washington, D.C trở thành tiểu bang, thì phe Cộng hòa lại bác bỏ. Bởi với đặc trưng và truyền thống của Washington, D.C thì nếu thành tiểu bang, phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ thắng lợi trong việc bầu chọn thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang mới.
Chính vì thế, việc đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế ở lưỡng viện quốc hội Mỹ được xem là thời cơ lịch sử để Washington, D.C trở thành tiểu bang.
Hồi tháng 4, Hạ viện Mỹ đã thông qua việc Washington, D.C trở thành tiểu bang, với tên gọi vẫn là Washington, D.C. Tuy nhiên, chữ “D.C” mang ý nghĩa là Douglass Commonwealth, tạm dịch mang nghĩa là Thịnh vượng chung Douglass, với Douglass là tên của nhà cải cách xã hội, chính khách người Mỹ gốc Phi Frederick Douglass (1818 - 1895). Trong số khoảng 700.000 dân ở Washington, D.C thì người gốc Phi chiếm tỷ lệ đông nhất với 47%, tiếp theo là người da trắng với 41%.
Trong khi đó, không chỉ giới chính trị gia bất đồng về việc Washington, D.C trở thành tiểu bang, mà cả chính người dân Mỹ cũng phân hóa trong vấn đề này. Tờ The Washington Post vào tháng 4 dẫn lại một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Công ty Gallup hồi năm 2019 cho thấy 2/3 người Mỹ phản đối việc Washington, D.C trở thành tiểu bang. Đây chính là một rào cản khác cho nỗ lực đưa thủ đô trở thành tiểu bang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.