Nga - Trung đặt Mỹ vào tầm ngắm

30/06/2016 08:30 GMT+7

Nga - Trung lần lượt thiết lập các căn cứ dành cho hoạt động tình báo và quân sự tại Nicaragua và Argentina, một động thái mà giới quan sát nghi ngờ nhằm mục đích theo dõi Mỹ.

Trang Washington Free Beacon đưa tin chính quyền Moscow đang xây dựng trạm thu thập thông tin tình báo điện tử tại Nicaragua trong nỗ lực nhằm gia tăng hoạt động quân sự và gián điệp tại Tây bán cầu, cụ thể là nhằm vào Mỹ và sân sau của cường quốc này.
Trạm thu phát tín hiệu tình báo nằm trong loạt thỏa thuận gần đây giữa Moscow và Managua, liên quan đến việc chuyển giao 50 xe tăng T-72 của Nga, theo nguồn thạo tin. Thỏa thuận xe tăng và căn cứ tình báo trên đã làm dấy lên quan ngại trong hàng ngũ lãnh đạo tại Lầu Năm Góc và các quốc gia khác trong khu vực.
Căn cứ bí mật
Việc phanh phui sự tồn tại của dự án xây dựng căn cứ gián điệp của Nga tại Nicaragua diễn ra vào thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay đã có 3 quan chức thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ bị trục xuất khỏi quốc gia Trung Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết vụ việc xảy ra vào ngày 14.6, và cả ba quan chức này đều bị hộ tống gấp đến sân bay mà không kịp mang theo bất kỳ hành lý tùy thân nào. “Cách đối xử như vậy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ song phương Mỹ - Nicaragua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại”, theo trang Washington Free Beacon dẫn lời ông Kirby.
Không có chi tiết nào về căn cứ tình báo của Nga được công khai, chẳng hạn như vị trí và thời điểm hoàn tất. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin tiết lộ rằng nó có thể có vỏ bọc là một trạm theo dõi chuyển động vệ tinh GLONASS, vốn đang trong giai đoạn gần hoàn tất. GLONASS là hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của Nga, tương tự GPS của Mỹ.
Hồi tháng 8 năm ngoái, chính quyền Nicaragua và Nga đã ký thỏa thuận thành lập trạm GLONASS ở phía bắc thủ đô Managua, theo giới truyền thông trong nước. Các hãng tin khác như Reuters và AP cho rằng địa điểm xây dựng sẽ nằm ở bờ biển Caribe.
Trong số 50 xe tăng T-72 được thỏa thuận, 20 chiếc đang được chuyển giao cho Nicaragua trong đợt đầu. Trước đó, Ngoại trưởng Costa Rica là Manuel Gonzalez đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận trên là hành vi khởi động cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Mỹ, theo tờ La Prenza. Quốc hội Nicaragua vào ngày 3.5 đã thông qua nghị quyết cho phép các cá nhân phục vụ trong quân đội nước ngoài làm việc tại nước này.
Nghị quyết trên nhằm mở đường cho các quân nhân Nga đến huấn luyện các đồng nghiệp Nicaragua biết cách lái xe tăng, nhưng đồng thời cũng cho phép các sĩ quan tình báo Nga đến quốc gia Trung Mỹ. Cựu chuyên gia hoạch định chính sách cho Lầu Năm Góc Mark Schneider nhận định thỏa thuận trên có vẻ như là một phần của chiến lược lớn hơn để Nga tăng doanh thu từ hoạt động bán vũ khí, và cũng để tạo dựng cơ hội xây căn cứ quân sự và gia tăng ảnh hưởng ở Nicaragua.
“Nhìn chung, Moscow hoàn toàn không hề che giấu tham vọng mở thêm căn cứ nước ngoài tại Mỹ Latin, Biển Đông, Ấn Độ Dương, bán đảo Balkan và Trung Đông... Nga sẽ bán vũ khí cho bất cứ nước nào và sẽ tìm cách đạt được lợi thế và ảnh hưởng quân sự. Hoàn toàn không có mối liên hệ nào giữa việc mua đội xe tăng với hoạt động ngăn chặn buôn ma túy”, theo ông Schneider.
Chuyên gia người Mỹ nhắc đến việc chống ma túy bởi hồi tháng 5 tạp chí quốc phòng Jane’s từng dẫn lời nghị sĩ Edwin Castro của Nicaragua biện hộ rằng chính quyền nước này dự định sử dụng xe tăng để đối phó vấn nạn nói trên.
Theo tờ Washington Free Beacon, trong vài năm qua, Nga đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quân sự với các quốc gia Mỹ Latin. Vào tháng 10.2013, Nga từng điều động 2 chiếc oanh tạc cơ có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân Tu-160 đến Nicaragua và cử một đội tàu hải quân đến thăm Venezuela. Một năm sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm chính thức Nicaragua và thiết lập tiền đề cho sự hợp tác quân sự và tình báo song phương.
Lực lượng vũ trang Nicaragua trong những năm qua đã mua nhiều thiết bị quân sự từ Nga để đối phó nạn buôn bán ma túy tại nước này Reuters
Trong khi phát ngôn viên Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra nhận xét về sự hợp tác Nga - Nicaragua về mặt tình báo và quân sự, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Mặc dù mọi quốc gia đều có quyền chọn đối tác quốc tế, nhưng chúng tôi đã nói rõ rằng giờ này không phải là thời điểm quan hệ bình thường với Nga”.
Còn phát ngôn viên Bộ Tư lệnh miền nam, trung tá David Olson bày tỏ rằng Mỹ tôn trọng quyền của các quốc gia trong việc hiện đại hóa quốc phòng. “Chúng tôi biết rõ về những ràng buộc của Nga tại Tây bán cầu. Bản chất của các hoạt động tiếp cận này không mới và tương tự với các nước khác”.
Về phần mình, phát ngôn viên của sứ quán Mỹ tại Nicaragua không đưa ra bất cứ bình luận gì.
Tuy nhiên, bất chấp các cáo buộc từ phương Tây, Hãng tin Sputnik dẫn lời giới chuyên gia và quan chức quốc phòng Nga cho rằng không có chuyện Moscow dùng trạm GLONASS làm căn cứ tình báo.
Căn cứ không gian của Trung Quốc
Một tháng trước khi báo chí Mỹ loan tải thông tin về sự hiện diện của căn cứ tình báo Nga trên đất Nicaragua, tạp chí The Diplomat cũng cho hay Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ theo dõi không gian tại Argentina, làm dấy lên làn sóng quan ngại tương tự từ Mỹ và các quốc gia trong khu vực.
Theo đó, trạm không gian của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tại vùng Patagonia thuộc Argentina đang gần hoàn tất. Căn cứ trên bao gồm các hệ thống ăng ten parabol có thể xoay được với đường kính 13,5 m và 35 m, các trạm cơ khí và máy tính, doanh trại cho các sĩ quan, và nhà máy điện trị giá 10 triệu USD.
Theo trang tin Breitbart, Argentina và Trung Quốc ban đầu muốn xây dựng trạm không gian để phục vụ cho chương trình “thám hiểm vệ tinh và các hoạt động vũ trụ khác”. Tuy nhiên, Đại sứ Argentina tại Liên Hiệp Quốc Roberto García Moritán, từng đại diện Argentina tham gia Hiệp ước Buôn bán vũ khí, cho hay căn cứ trên có “năng lực can thiệp vào các hoạt động viễn thông, các mạng điện tử và những hệ thống điện từ”, và tiếp nhận thông tin “về các vụ phóng tên lửa và những hoạt động khác trong không gian, bao gồm các máy bay không người lái, và quá trình điều động các loại vũ khí chiến lược”. Dự kiến nó cũng sẽ được trang bị năng lực thu thập “tin tức có độ nhạy cảm cực cao trong tình huống so tài quân sự”, theo tờ The Diplomat.
Giống như Nga, Trung Quốc hết sức kín miệng về dự án tại Argentina. “Vị trí của căn cứ nằm trên vùng Patagonia của Argentina, cung cấp những dải đất rộng phù hợp cho hoạt động thám hiểm không gian. Nơi này cũng cho phép Trung Quốc sở hữu năng lực đặt Nam bán cầu vào tầm ngắm”, theo trang Breitbart. Bên cạnh đó, có nhiều quan ngại cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng căn cứ đó cho các hoạt động quân sự, và đặc biệt dùng để theo dõi Mỹ, theo tạp chí The Week.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.