Nga tố ngược Anh về vụ đầu độc

29/03/2018 07:12 GMT+7

Nga đặt nghi vấn ngược lại về bên phải chịu trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên và con gái tại Anh giữa lúc căng thẳng có dấu hiệu tiếp tục leo thang.

Ngày 28.3, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ủy ban Điều tra nước này đã khởi tố hình sự vụ mưu sát cô Yulia Skripal, con gái cựu điệp viên Sergei Skripal, và yêu cầu Anh hợp tác điều tra, theo Reuters. Ông Skripal tị nạn tại Anh từ năm 2016, còn cô Yulia vẫn mang quốc tịch Nga và vừa từ Moscow sang thăm cha thì cả hai bị đầu độc tại thành phố Salisbury hôm 4.3.
Thông báo còn chỉ trích chính quyền Anh không có khả năng bảo vệ an toàn cho công dân Nga trên lãnh thổ nước này và sau đó “có nhiều dấu hiệu khuất tất” trong quá trình điều tra. Điều này khiến Nga cân nhắc khả năng cơ quan tình báo Anh dính líu đến vụ việc. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nếu London không đưa ra được bằng chứng hợp lý, Moscow sẽ coi vụ Skripal là hành động tấn công để khiêu khích chính trị.
Trong thời gian qua, Nga liên tục yêu cầu Anh hợp tác điều tra, nhưng London cương quyết cự tuyệt và tuyên bố “đủ bằng chứng” cho thấy Moscow có liên quan.
Đến nay, đã có 26 nước tuyên bố trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga để thể hiện ủng hộ phản ứng của Anh về vụ việc; còn Luxembourg, Slovakia và Bulgaria, nước đang đảm nhiệm ghế Chủ tịch luân phiên EU, triệu hồi đại sứ tại Moscow về nước để tham vấn trước khi có quyết định. Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng và đại sứ nước này tại Úc Grigory Logvinov ngày 28.3 cảnh báo thế giới sẽ rơi vào Chiến tranh lạnh kiểu mới nếu phương Tây tiếp tục duy trì “thành kiến vô căn cứ” đối với Moscow trong vụ đầu độc cựu điệp viên, theo tờ The Guardian.
Anh phát cẩm nang phòng tránh gián điệp
Trong khi quan hệ phương Tây - Nga vẫn đang căng thẳng, Cơ quan An ninh Anh (MI5) phân phát cẩm nang phòng tránh gián điệp cho các doanh nghiệp lớn của nước này đang hoạt động tại Nga và Trung Quốc. Theo tạp chí The Week UK, cẩm nang cung cấp những biện pháp giúp doanh nhân Anh giảm thiểu nguy cơ trở thành con mồi của tình báo nước ngoài. Họ được khuyến cáo tránh say xỉn, đánh bạc và cảnh giác trước “mỹ nhân kế” khi đi công tác. Ngoài ra luôn mang theo người các thiết bị điện tử như điện thoại di động và máy tính xách tay để tránh bị gián điệp tìm cách cài mã độc; tắt chức năng định vị, không dùng wifi công cộng để giảm nguy cơ xâm nhập. Một điều cần tránh khác là bàn chuyện làm ăn hay vấn đề chính trị tại những nơi công cộng như thang máy, xe lửa, nhà hàng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.