Nga ráo riết củng cố sức mạnh quân sự ở Trung Á khi Mỹ rút quân

Khánh An
Khánh An
01/06/2021 16:38 GMT+7

Với thời hạn Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan đang đến gần, Nga đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho các láng giềng ở Trung Á.

Nga tăng cường sức mạnh quân sự ở Trung Á với lý do chống khủng bố, nhưng giới quan sát nhận định rằng “động cơ” thực sự là do lo ngại Mỹ có thể lập căn cứ tại đây sau khi rút quân khỏi Afghanistan.
Trong tháng qua, theo Nikkei Asia, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự và thỏa thuận phối hợp về phòng không với các đối tác ở Trung Á.

Khu vực chiến lược

Moscow khẳng định rằng những động thái trên nhằm giúp các nước phòng thủ trước mối đe dọa khủng bố tiềm tàng từ Afghanistan. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng mục đích thực sự là nhằm đối phó với khả năng Mỹ sẽ có những động thái mới trong khu vực.
Theo ông Andrei Serenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan hiện đại (trụ sở tại Moscow), khu vực Trung Á được xem như điểm yếu của Nga. “Tình hình ở Afghanistan là mối đe dọa có thể tác động đến sức ảnh hưởng của Nga trong khu vực”, ông nhận định.
Gần 30 năm sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn duy trì dấu ấn quân sự quan trọng ở Trung Á. Moscow vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực và có hàng ngàn binh sĩ đồn trú tại các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Ba nước này còn là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), liên minh quân sự do Nga dẫn đầu với một số nước trong khu vực.
Việc Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào ngày 11.9 tới khiến Nga đang tìm cách củng cố các mối quan hệ trên.

Rút khỏi Afghanistan, quân Mỹ để lại “rác thải” quân sự

Tăng cường hợp tác

Vào cuối tháng 4, Nga tổ chức tập trận quy mô lớn với Tajikistan với sự tham gia của hơn 50.000 người và 700 hệ thống khí tài, từ tiêm kích, xe tăng đến rốc két và đạn pháo.
Cuộc tập trận diễn ra gần khu vực biên giới phía nam của Tajikistan với Afghanistan và mô phỏng bối cảnh biên giới bị xâm nhập.
Vài ngày sau khi kết thúc cuộc tập trận, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến Tajikistan ký thỏa thuận thiết lập một hệ thống phòng không chung. Ông Shoigu cũng dừng chân tại Uzbekistan, nơi ông thông báo rằng bộ quốc phòng 2 nước đã thông qua chương trình đối tác chiến lược 4 năm lần đầu tiên.

Các binh sĩ Mỹ trao một căn cứ cho quân đội Afghanistan vào ngày 2.5

Ảnh: Reuters

Trước chuyến thăm của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đến Nga vào ngày 24.5, Bộ Quốc phòng Kyrgyzstan cho biết sẽ tổ chức cuộc tập trận chung của CSTO trong vài tháng tới, dự kiến có 4.000 binh sĩ Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Một trong những ưu tiên của Nga là củng cố căn cứ quân sự thứ 201 ở Tajikistan, căn cứ lớn nhất của nước này ở Trung Á. Tờ Izvestia của Nga ngày 26.5 đưa tin Nga chuẩn bị bổ sung binh sĩ đến căn cứ này, cùng với các hệ thống phòng không vác vai thế hệ thứ 4.

Đối phó Mỹ?

Một số chuyên gia cho rằng không chỉ răn đe khủng bố, các động thái gần đây của Nga ở Trung Á còn nhằm ngăn chặn Mỹ.
Ông Andrei Serenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan hiện đại, cho rằng Mỹ có thể điều một số binh sĩ đến Trung Á sau khi rút khỏi Afghanistan, vì khu vực này là trọng tâm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“Moscow xem mối đe dọa từ khả năng tái điều động của Mỹ là điều quan trọng và không chấp nhận được, và sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng không có căn cứ nào của Mỹ trong khu vực”, ông nhận định.

[VIDEO] Vì sao Tổng thống Biden kiên quyết chấm dứt "cuộc chiến bất tận" ở Afghanistan bất chấp chỉ trích?

Tờ The Wall Street Journal mới đây dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng Nhà Trắng đang xem xét tái điều động một số bộ phận binh sĩ từ Afghanistan đến Tajikistan hoặc Uzbekistan.
Bên cạnh đó, Nga có thể đang băn khoăn về tính đoàn kết và hiệu quả của CSTO. Năm ngoái, CSTO từ chối can thiệp vào cuộc xung đột giữa thành viên Armenia với Azerbaijan liên quan vùng Nagorno-Karabakh, với lý do xung đột không xảy ra trên đất Armenia.
Mới đây vào cuối tháng 4, các binh sĩ Tajikistan và Kyrgyzstan nổ súng vào nhau ở khu vực biên giới sau tranh chấp về nguồn nước của các cư dân địa phương. Dù mẫu thuẫn nhanh chóng được giải quyết dưới sự kiểm soát của 2 nước, vẫn có hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương.
Theo ông Serenko, nếu muốn ngăn chặn khả năng Mỹ lập căn cứ ở Trung Á, Nga cần đảm bảo với các đồng minh CSTO về khả năng đối phó nếu khủng hoảng xảy ra ở Afghanistan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.