Nga đối phó lá chắn tên lửa NATO ở châu Âu: Nói dễ, làm khó

15/05/2016 09:36 GMT+7

Chủ định của Tổng thống Nga Vladimir Putin là đối phó thích hợp với việc NATO đưa vào sử dụng căn cứ phòng thủ tên lửa mới ở Romania nhưng không để bị khiêu khích nghe thì dễ nhưng làm thì rất khó.

Sau khi NATO đưa vào sử dụng căn cứ phòng thủ tên lửa mới ở Romania, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó nhưng đồng thời không để bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Mục tiêu này rất thực tế và hợp lý nhưng không dễ dàng có thể thực hiện.
Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO bao gồm 4 tàu chiến Mỹ bố trí ngoài khơi miền nam Tây Ban Nha, một căn cứ radar ở Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ mới ở Romania và một cơ sở tương tự sẽ được xây dựng trên lãnh thổ Ba Lan. Lo ngại của Nga về an ninh hoàn toàn có cơ sở khi mục đích của hệ thống này là đối phó tên lửa Iran nhưng đến nay thì quan hệ của phương Tây với Iran đang thay đổi cơ bản. Trong khi đó, hệ thống của NATO không chỉ có khả năng phòng thủ mà cả tấn công và lại được triển khai rất gần Nga.
Trong thực chất, NATO tăng cường vũ trang ở châu Âu và làm thay đổi cân bằng chiến lược với Nga. Nó gợi liên tưởng đến thời thập niên 1980 khi phương Tây phát động và đẩy mạnh chạy đua vũ trang để buộc Liên Xô chạy theo và gặp nguy cơ khánh kiệt.
Vì thế, chủ định của Tổng thống Putin là đối phó thích hợp nhưng không để bị khiêu khích nghe thì dễ nhưng làm thì rất khó. Moscow không thể không tính toán lại toàn bộ việc bố trí chiến lược, tăng cường ngân sách quốc phòng và quân sự, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vũ khí mới, đặc biệt về tên lửa chiến lược và sách lược, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Như thế đâu có khác gì tăng cường vũ trang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.