Theo sắc lệnh, Nga sẽ sẵn sàng dùng
vũ khí hạt nhân trong trường hợp đối diện với khả năng bị tấn công phi hạt nhân đe dọa sự tồn vong của đất nước hay bị tấn công nhằm triệt tiêu khả năng đáp trả hạt nhân, theo hãng Tass ngày 2.6.
Bên cạnh đó, Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc đồng minh bị
tấn công hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Về căn cứ để sử dụng vũ khí hạt nhân, sắc lệnh nêu rõ là khi Nga nhận được thông tin đáng tin cậy về những khả năng trên, chẳng hạn như thông tin về việc phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào nước này hoặc đồng minh.
Nếu cần, Tổng thống Nga có thể thông báo cho lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế về tình trạng sẵn sàng, quyết định sử dụng hoặc hành động sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Chính sách về ngăn chặn hạt nhân là phòng thủ và nhằm duy trì năng lực của lực lượng hạt nhân ở mức đủ răn đe, cũng như đảm bảo việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, theo sắc lệnh.
[VIDEO] Hiệp ước hạt nhân Mỹ - Nga sụp đổ, tiếp theo là gì?
|
Mối quan hệ Nga - Mỹ đang xấu đi sau khủng hoảng Ukraine, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và các bất đồng khác. Trong bối cảnh này, Moscow nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Mỹ và các đồng minh điều lực lượng đến vùng Baltic và các cuộc tập trận của NATO gần biên giới.
Hiệp ước New START được ký vào năm 2010 với
lộ trình giảm vũ khí hạt nhân trong vòng 7 năm tính từ tháng 2.2011. Theo đó, đến thời điểm tháng 2.2017, mỗi bên chỉ được phép sở hữu tối đa tổng cộng 800 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.
Trong khi đó, giới hạn
số đầu đạn hạt nhân được trang bị của mỗi bên là 1.550. Hai bên cũng phải trao đổi thông tin về việc sở hữu vũ khí hạt nhân. New START hiện được xem như thỏa thuận quan trọng còn lại giúp hạn chế vũ khí của hai bên dưới mức đỉnh điểm thời Chiến tranh lạnh.