Nga cảnh báo sẽ phát triển vũ khí mới đối phó Mỹ

06/08/2019 07:00 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nước này sẽ buộc phải bắt đầu phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn nếu Mỹ sản xuất vũ khí tương tự sau khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sụp đổ.

Tại cuộc họp với Hội đồng an ninh liên bang Nga ngày 5.8, Tổng thống Putin ra lệnh cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan tình báo nước ngoài SVR giám sát chặt chẽ mọi bước đi của Mỹ liên quan tới phát triển, sản xuất hoặc triển khai tên lửa bị cấm theo hiệp ước INF, theo Reuters.
“Nếu Nga có được thông tin đáng tin cậy rằng Mỹ đã hoàn thành phát triển các hệ thống này và bắt đầu sản xuất chúng, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài phát triển các tên lửa tương tự”, ông Putin nhấn mạnh.
Theo chủ nhân Điện Kremlin, với kho vũ khí tên lửa phóng từ trên không và trên biển cùng tên lửa siêu thanh đang được phát triển, Nga đủ sức đối phó mọi mối đe dọa.
Nhà lãnh đạo nói thêm việc cần làm là Moscow và Washington khôi phục các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang nổ ra.

[VIDEO] Ông Putin nhận xét quan hệ Nga - Mỹ "ngày càng tệ"

Mỹ và Nga đều chính thức rút khỏi INF ngày 3.8, sau khi cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước.
Hiệp ước có hiệu lực vào năm 1988 nhằm hạn chế việc phát triển và triển khai tên lửa tầm bắn từ 500-5.500 km.
Mỹ cáo buộc Nga vi phạm khi phát triển tên lửa hành trình 9M729 (NATO gọi là SSC-8) có tầm bắn 1.500 km trong khi Moscow khẳng định tên lửa này chỉ bay được 480 km, theo AFP.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định nước này sẽ dùng mọi biện pháp để tự vệ nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Á.
Tuyên bố trên được đưa ra 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố muốn nhanh chóng triển khai các tên lửa tầm trung mới ở châu Á để đối phó các diễn biến đáng quan ngại trong khu vực.

Lầu Năm Góc muốn triển khai tên lửa Mỹ tại châu Á

Ông Ryabkov cho biết Moscow dự đoán Tokyo sẽ sớm trở thành nơi đặt hệ thống phóng tên lửa MK-41 của Mỹ tại Nhật Bản.
“Hệ thống phóng tên lửa MK-41 phổ quát, dường như sẽ xuất hiện ở Nhật Bản, cũng có thể được điều chỉnh để phóng tên lửa hành trình tầm trung... Vì vậy, những hệ thống mới này khi chúng xuất hiện ở Nhật Bản cũng sẽ được lưu ý trong kế hoạch đáp trả tương ứng của chúng tôi”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.