Nga bác bỏ ‘Học thuyết Monroe’ mới của Mỹ ở Mỹ Latin

Văn Khoa
Văn Khoa
28/05/2019 14:20 GMT+7

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cách tiếp cận mới về chính sách ngoại giao của Mỹ ở Mỹ Latin đi ngược lại với luật pháp quốc tế , trong bối cảnh Washington gia tăng sức ép để buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức.

Theo tờ The Moscow Times, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mới đây sử dụng lại chính sách năm 1823 do Tổng thống khi đó James Monroe đưa ra, hay còn được gọi là Học thuyết Monroe, để cảnh báo các nước khác, trong đó có Nga và Cuba, liên quan đến tình hình Venezuela.
Theo Học thuyết Monroe, những nỗ lực trong tương lai của các nước Âu châu để lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược nên Mỹ sẽ can thiệp.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo theo sau cuộc gặp ở thành phố Sochi hôm 14.5 Reuters
“Chúng tôi nói về ý đồ của Washington định hình lại khu vực theo ý của mình trên tinh thần của “Học thuyết Monroe” được sửa đổi. Chúng tôi tất nhiên bác bỏ những cách tiếp cận như thế và sẽ kiên quyết bảo vệ những chuẩn mực và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc’, Ngoại trưởng Lavrov cho giới phóng viên hay hôm 27.5 theo sau cuộc gặp với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez ở Moscow.
Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal mới đây, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng Mỹ nên can thiệp quân sự vào Venezuela như đã từng làm với đảo quốc nhỏ bé Grenada.
“Tổng thống Trump nên yêu cầu Cuba rút mọi lực lượng an ninh khỏi Venezuela ngay lập tức. Nếu Cuba không chấp hành thì Mỹ nên đưa khí tài quân sự đến khu vực”, ông Graham nhấn mạnh.
[VIDEO] Mỹ không vui vì máy bay Nga đến Venezuela
Năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan đưa khoảng 6.000 quân xâm lược Grenada để lật đổ một chính quyền quân sự, lấy cớ là Cuba can thiệp tại đảo quốc này đe dọa sự an toàn của công dân Mỹ. Chiến dịch diễn ra chỉ khoảng một tuần đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn chưa loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tổng thống Nicolas Maduro và lãnh đạo đối lập Juan Guaido.
Ông Guaido, được Mỹ và hơn 50 nước ủng hộ, hồi tháng 1 tự xưng là “tổng thống lâm thời”, với lập luận việc ông Maduro tái đắc cử hồi năm 2018 là phi pháp.
Hồi cuối tháng 4, một số binh lính và người ủng hộ ông Guaido tiến hành cuộc nổi dậy nhằm chiếm quyền kiểm soát nhưng nhanh chóng bị dập tắt vì các chỉ huy quân sự chủ chốt vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.