NATO trên bờ vực chiến tranh hạt nhân với Liên Xô năm 1983

27/10/2015 19:31 GMT+7

(TNO) Những cuộc tập trận của NATO năm 1983 có nguy cơ đẩy Mỹ và đồng mình vào bờ vực chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, theo một tài liệu tình báo Mỹ mới được giải mật.

(TNO) Những cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1983 có nguy cơ đẩy Mỹ và đồng mình vào bờ vực chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, theo một tài liệu tình báo Mỹ mới được giải mật.

Lực lượng NATO tập trận ở vùng biển Baltic hồi tháng 6.2015 - Ảnh: AFPLực lượng NATO tập trận ở vùng biển Baltic hồi tháng 6.2015 - Ảnh: AFP
Tháng 11.1983, NATO tiến hành cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với sự tham gia lực lượng quân sự các nước thành viên NATO ở Đông Âu, theo AFP.
Theo các tài liệu tình báo của Ủy ban cố vấn tình báo cho tổng thống Mỹ (PIAB) từ năm 1990 và mới được giải mật trong tháng 10 này, Liên Xô đã phản ứng trước cuộc tập trận NATO bằng những biện pháp tình báo và quân sự được đánh giá là “bất thường”. Cụ thể, Liên Xô đặt lực lượng không quân đóng ở Đức và Ba Lan trong tình trạng báo động cao độ và tăng cường những chuyến bay trinh sát. Các nhà sử học quốc tế sau này nhận ra rằng Liên Xô lo ngại những cuộc tập trận quy mô lớn của NATO là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu.
Tuy nhiên, tình báo Mỹ và phương Tây lúc bấy giờ đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình và những động thái quân sự của Nga, theo tài liệu giải mật.
Đến năm 1983, Washington đã đặt mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô vào thế đối đầu với nguy cơ dễ xảy ra chiến tranh hạt nhân, theo tài liệu giải mật của PIAB.
Quan hệ giữa NATO và những quốc gia Khối Warszawa trong lịch sử đã xuống dốc sau khi NATO triển khai tên lửa Pershing II có thể mang đầu đạn hạt nhân đến Tây Đức. Trước đó, Liên Xô đã bắn hạ một máy bay dân sự Hàn Quốc mà họ cáo buộc là đang thực hiện chiến dịch do thám.
Và vào tháng 3.1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã gọi Liên Xô là một “đế chế tội lỗi”. Phản ứng lại trước tuyên bố của ông Reagan, Liên Xô cáo buộc ông và các cố vấn của ông là các phần tử “điên rồ”, “cực đoan” và “tội phạm”.
Trong tài liệu mới giải mật, PIAB đề xuất Mỹ nêu cân nhắc cách tiến hành những cuộc tập trận quân sự và phương pháp thu thập thông tin tình báo nhằm đảm bảo chúng không bị xem là dấu hiệu sắp xảy ra chiến tranh.
Hơn hai thập niên sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Nga và phương Tây lại tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng sau khi Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine và sáp nhập vào Nga năm 2014; và Nga bắt đầu chiến dịch ném bom ở Syria hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.