NATO lo đối phó tên lửa mới của Nga khi hiệp ước hạt nhân cáo chung

13/02/2019 19:00 GMT+7

Tổng thống thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh này lên kế hoạch đối với khả năng “Nga có thêm nhiều tên lửa mới” sau khi hiệp ước hạn chế sức mạnh hạt nhân Mỹ - Nga sụp đổ.

Ông Stoltenberg cho hay NATO sẽ tăng cường phòng thủ nhưng điều này không đồng nghĩa khối quân sự này sẽ theo bước Nga “tăng cường phát triển thêm tên lửa”, theo AFP.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tiến trình Mỹ rút khỏi INF bắt đầu kể từ ngày 2.2 và sẽ hoàn tất trong 6 tháng tới, trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy mọi tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan. Đáp lại, Moscow tuyên bố rút khỏi INF, chuẩn bị phát triển tên lửa mới.
[VIDEO] Tổng thư ký NATO lo hiệp ước hạt nhân lâm nguy, kêu gọi Nga tuân thủ
“Chúng tôi kêu gọi Moscow tuân thủ INF, nhưng cùng lúc lên kế hoạch đương đầu với một thế giới không có INF mà lại có thêm nhiều tên lửa mới của Nga”, ông Stoltenberg nói trước thềm hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO tại Bỉ ngày 13.2. Cựu thủ tướng Na Uy Stoltenberg từ chối công bố kế hoạch chi tiết, nhưng nhấn mạnh “chúng tôi không có ý định trên khai thêm hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất ở châu Âu”.
Dù vậy, ông Stoltenberg nhắc lại cảnh báo trước đây là các tên lửa mới của Nga có nguy cơ châm ngòi chạy đua vũ trang, chiến tranh hạt nhân do chúng di động và khó phát hiện.
Mặt khác, ông Stoltenberg cảnh báo châu Âu không nên cân nhắc đến việc tự giải quyết các vấn đề không cần đến NATO sau khi Pháp và Đức nhất trí với đề xuất thành lập “Quân đội châu Âu”, theo AFP.
Tổng thống thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels của Bỉ Reuters
Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison tuyên bố Lầu Năm Góc đã bắt đầu cân nhắc biện pháp tốt nhất đề phòng tên lửa mới của Nga. Trong thông điệp liên bang tại quốc hội ngày 5.2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ chi nhiều tiền hơn Nga để phát triển tên lửa mà không cần đạt thỏa thuận quốc tế mới.
Trước đó, NATO tuyên bố các đồng minh “hoàn toàn ủng hộ” việc rút khỏi INF và nhất trí với cáo buộc từ Washington rằng hệ thống tên lửa hành trình Nga 9M729 có tầm bắn vi phạm INF.
[VIDEO] Lay lắt số phận hiệp ước hạt nhân Mỹ - Nga
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu cảnh báo hậu quả nếu hiệp ước bị sụp đổ và kêu gọi Nga cân nhắc trước khi Mỹ chính thức rút khỏi INF vào tháng 8.2019, theo AFP.
INF được ký kết năm 1987 nhằm giới hạn tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 500 - 5.500 km ở châu Âu. Đây là di sản nhằm kết thúc chiến tranh lạnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan, được ký kết nhằm xoa dịu quan ngại của các quốc gia châu Âu về nguy cơ chạy đua vũ trang có tính hủy diệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.