NASA cảnh báo về trạm không gian Trung Quốc

24/09/2020 11:50 GMT+7

Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo Mỹ phải duy trì sự hiện diện trên quỹ đạo trái đất sau khi Trạm Không gian quốc tế (ISS) ngừng hoạt động, để Trung Quốc không giành được lợi thế chiến lược.

Hoạt động như một phòng thí nghiệm khoa học vũ trụ, ISS là chương trình hợp tác giữa Mỹ, Nga, Nhật Bản, châu Âu và Canada, dự kiến sẽ được vận hành cho đến năm 2030, theo AFP.
Phát biểu trước quốc hội Mỹ ngày 23.9, Giám đốc NASA Jim Bridenstine nói: “Trước khi ISS kết thúc vòng đời, chúng ta phải có kế hoạch chuẩn bị nhằm duy trì sự hiện diện của Mỹ trong quỹ đạo trái đất tầm thấp”.
Do đó, NASA yêu cầu khoản ngân sách 150 triệu USD cho năm tài chính 2021 để phục vụ kế hoạch này, theo ông Bridenstine. Quỹ đạo trái đất tầm thấp là quỹ đạo quanh trái đất với độ cao dưới 2.000 km, tính từ bề mặt của trái đất.
“Chúng tôi muốn thực hiện các dự án theo hình thức quan hệ đối tác công - tư, trong đó NASA giao dịch với các nhà cung cấp trạm không gian thương mại nhằm duy trì sự hiện diện thường xuyên trong quỹ đạo trái đất tầm thấp”, ông Bridenstine nói.

Mô phỏng trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc khi đã thành hình trên quỹ đạo

CMSA

Ông Bridenstine đồng thời cảnh báo Mỹ phải tiếp tục duy trì uy thế trong không gian vì Trung Quốc có kế hoạch đưa trạm không gian Thiên Cung hoạt động vào năm 2022.
Tân Hoa xã hồi tháng 6 đưa tin Trung Quốc đang hợp tác với 23 đơn vị từ 17 quốc gia để thực hiện các thí nghiệm khoa học trên trạm không gian Thiên Cung. Các quốc gia này bao gồm các nước phát triển lẫn đang phát triển, như Pháp, Đức, Nhật Bản, cùng Kenya và Peru, theo Tân Hoa xã.
“Bắc Kinh đang đẩy mạnh xây dựng trạm không gian quốc tế Trung Quốc. Họ đang tiếp thị trạm không gian đó cho tất cả đối tác quốc tế của Mỹ. Nếu chúng ta từ bỏ quỹ đạo trái đất tầm thấp thì đó sẽ là một bi kịch”, ông Bridenstine cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.