Nạn đánh cắp đồ cổ quý hiếm tại Iraq

25/04/2005 21:41 GMT+7

Đã 2 năm trôi qua kể từ khi thành Baghdad thất thủ và những kẻ hôi của tàn phá không thương tiếc một trong những bảo tàng quan trọng nhất thế giới - Bảo tàng Baghdad ở trung tâm thủ đô Iraq.

 

Chính quyền Saddam Hussein sụp đổ và lực lượng liên quân tiến vào Baghdad đã không thể nào ngăn chặn được một tội ác đối với lịch sử. Những kẻ buôn lậu chuyên nghiệp móc nối với những băng nhóm mafia buôn đồ cổ quốc tế đã xâm nhập một số phòng lưu trữ được khóa kín cửa của Bảo tàng Baghdad. Chúng cuỗm đi những tuyệt tác vô giá như toàn bộ bộ sưu tập các con dấu hình lăng trụ và một số lượng lớn những đồ chạm trổ bằng ngà voi thời đại Assyria xa xưa.

 

Hơn 15 ngàn món đồ đã bị chôm và rất nhiều trong số này bị đưa lậu ra khỏi Iraq và được rao bán. Cho đến hôm nay, 3 ngàn bảo vật đã được thu hồi tại Baghdad, trong đó một số do dân thường trả lại, một số khác do cảnh sát truy tìm được. Ngoài ra, 1.600 món đồ khác cũng được tìm thấy ở nước ngoài, riêng ở Ý là 300 món và ở Mỹ là hơn gấp đôi con số này. Phần lớn những vật bị đánh cắp không còn để lại tông tích gì nhưng một số nhà sưu tầm ở Trung Đông và châu u đã thừa nhận đang sở hữu những món đồ có khắc chữ IM (Iraq Museum).

 

Chưa hết, số lượng website rao bán các tuyệt tác của nền văn minh Lưỡng Hà - nhiều món dễ có đến 7 ngàn năm tuổi - đang nở rộ như nấm sau mưa. Tất nhiên, trong số những món hàng được bán cũng không thiếu đồ dỏm nhưng sự tồn tại của một thị trường như vậy đã kích thích tình trạng cướp phá các khu vực khảo cổ ở Iraq. Và đâu đó trên đất nước vùng Vịnh này phơi bày những hình ảnh hết sức đau lòng. Hơn 150 thành phố của người Sumer (thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên) như Umma, Umm al-Akkareb, Larsa và Tello đã bị phá hủy nặng nề và bị biến thành những khu vực đầy hầm hố vương vãi đồ gốm và gạch đá vỡ nát. Nếu được khai quật đúng cách, những thành phố cổ này - rộng đến 20 km2 - có thể giúp chúng ta biết ít nhiều về sự phát triển của con người. Nhưng những kẻ phá hoại - thực chất là những người dân thất nghiệp được thuê mướn - đã hủy hoại các bức tượng của tổ tiên mình, xóa đi lịch sử của chính mình trong cuộc tìm kiếm không mệt mỏi một con dấu hình lăng trụ hoặc một chiếc bàn hình nêm - vốn chỉ đem lại cho họ vài đô la khi đem bán cho lái buôn.

 

Bên cạnh những kẻ phá hoại thì lực lượng liên quân cũng góp phần không nhỏ trong việc hủy hoại các địa điểm khảo cổ bằng việc sử dụng những nơi này làm căn cứ quân sự. Sau khi rút khỏi vườn treo Babylon, liên quân đã để lại những tổn thất không gì phục hồi được cho một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Một địa điểm khác bị san bằng để làm bãi đáp cho trực thăng và chỗ đậu xe cho các loại xe cộ hạng nặng. Xe quân sự của Mỹ thì nghiền nát các lề đường bằng gạch cổ đến 2.600 năm tuổi, giao thông hào bị biến thành nơi chứa đồ đạc trong khi các chiến xa làm ô nhiễm những vùng đất linh thiêng ít nhất trong vài thế hệ.

 

Sẽ không bao giờ có đoạn kết đối với tình trạng phá hoại di sản Iraq, trừ phi các nhà lãnh đạo đất nước đưa ra một quyết định chính trị coi khảo cổ học là ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều này, cần phải xóa sổ các đường dây buôn bán đồ cổ bất hợp pháp ở Baghdad, ngăn chặn tình trạng phá hoại ở miền Nam và cấm liên quân dựng căn cứ trên những địa điểm khảo cổ. (BBC)

 

Xuân Anh

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.