Myanmar bất ngờ thả 600 người biểu tình, hoãn xét xử bà Suu Kyi

Khánh An
Khánh An
24/03/2021 15:26 GMT+7

Chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho 600 người biểu tình bị bắt giữ, đồng thời hoãn xét xử Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đến ngày 1.4.

Theo AFP ngày 24.3, chính quyền quân sự Myanmar đã trả tự do cho 600 người biểu tình bị bắt, giữa làn sóng chỉ trích cách chính quyền đối phó với các cuộc biểu tình.
Tại Yangon, hơn 600 người bị tạm giữ vì biểu tình phản đối chính biến của quân đội đã được thả khỏi nhà tù Insein. “Chúng tôi thả 360 đàn ông và 268 phụ nữ từ nhà từ Insein vào hôm nay”, một quan chức cấp cao của nhà tù cho biết.

Người biểu tình Myanmar "đình công im lặng" sau cái chết của bé gái 7 tuổi

Luật sư Khin Maung Myint đến nhà tù Insein để dự phiên thẩm vấn 2 thân chủ khác, cho hay 16 xe buýt chở đầy người đã rời đi vào khoảng 10 giờ sáng 24.3 (giờ địa phương).
“Họ được đưa đến các đồn cảnh sát liên quan rồi đi về nhà. Một số thân chủ gọi tôi để thông báo về việc được thả”, ông cho biết.
Truyền thông địa phương đưa hình ảnh những tù nhân trên nhiều xe buýt vẫy tay, trong khi nhiều người chờ đợi bên ngoài cũng vẫy tay đáp lại. Phe biểu tình hôm nay 24.3 kêu gọi người dân “biểu tình im lặng” bằng cách ở nhà, đóng cửa cơ sở kinh doanh, khiến đường sá ở Yangon và Naypyidaw trống vắng.

Những người biểu tình Myanmar được thả sau khi bị tạm giữ tại Yangon

Ảnh: Reuters

Tại thành phố Myeik ở miền nam, nhiều búp bê được đặt dọc đường với dòng chữ “chúng tôi cần dân chủ” và “chúng tôi chúc mẹ Suu khỏe mạnh”.
Trong khi đó, phiên tòa tại Naypyidaw của chính quyền quân sự dự kiến xét xử Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi vào hôm nay đã bị hoãn đến ngày 1.4.
Luật sư của bà Suu Kyi, ông Khin Maung Zaw, cho hay tòa hoãn là vì trục trặc về việc trực tuyến hình ảnh do chính quyền cắt internet.
Ông cho biết từ sáng đã có nhiều cảnh sát hiện diện trước cổng tòa, và các luật sư không được phép vào, trong khi đến nay ông vẫn chưa thể nói chuyện riêng với bà Suu Kyi.

Đường phố Yangon trống vắng do người dân "biểu tình im lặng"

Ảnh: AFP

Bà Suu Kyi (76 tuổi) hiện đối diện nhiều cáo buộc, bao gồm việc sở hữu máy bộ đàm không phép, vi phạm quy định phòng chống Covid-19 khi vận động tranh cử vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Cố vấn nhà nước Myanmar còn bị điều tra về các cáo buộc tham nhũng, khi chính quyền quân sự cho rằng bà nhận hối lộ 600.000 USD và 11 kg vàng, dù luật sư của bà bác bỏ các cáo buộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.