Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông

07/05/2014 06:51 GMT+7

(TNO) Chính phủ Mỹ vào hôm 6.5 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng quyết định đem giàn khoan biển sâu vào biển Đông là một hành động 'khiêu khích' và Washington hiện đang theo dõi sát sao.

(TNO) Chính phủ Mỹ vào hôm 6.5 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng quyết định đem giàn khoan biển sâu vào biển Đông là một hành động 'khiêu khích' và Washington hiện đang theo dõi sát sao.


Bản đồ xác định vị trí giàn khoan HD-981 nằm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - Ảnh: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp 

“Chúng tôi đang theo dõi vụ này kỹ lưỡng”, AFP dẫn lời bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.

Bà Psaki cho rằng “quyết định tổ chức khoan dầu trong bối cảnh đã có những căng thẳng gần đây ở biển Đông” của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam là hành động “mang tính khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Cũng trong ngày 6.5, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, khẳng định với Reuters rằng Mỹ đang theo sát vụ việc. Ông Russel dự kiến sẽ đến Hà Nội vào hôm nay, 7.5, theo Reuters.

Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng

Chiều qua 6.5, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1.5 đến nay.

Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng
Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại cuộc điện đàm, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Phó thủ tướng khẳng định việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước LHQ về luật Biển 1982.

Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.

Trước đó, chiều 4.5, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Trung Quốc Lưu Chấn Dân giao thiệp nghiêm túc vụ việc trên.

Cũng trong ngày 4.5, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nội dung Công hàm nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan HD-981 và tàu Trung Quốc đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC, các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế”; yêu cầu Trung Quốc “rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự.”

Công hàm khẳng định “Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng thông qua các cơ chế đàm phán song phương để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bất đồng trên biển giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Tổ chức họp báo quốc tế

Cũng theo tin từ Bộ Ngoại giao, hôm nay (7.5) tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.

Hoàng Uy

>> Điện đàm cấp cao về việc giàn khoan Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> HD-981 chính là giàn khoan ‘khủng’ của Trung Quốc
>> Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trung Quốc vi phạm DOC
>> PVN yêu cầu CNOOC rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam
>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm thềm lục địa Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.