Mỹ sẽ không thỏa hiệp trong cuộc gặp đầu tiên với ngoại trưởng Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
18/03/2021 10:05 GMT+7

Giới chức Mỹ tiết lộ nước này sẽ giữ lập trường không thỏa hiệp trong cuộc gặp cấp cao với phía Trung Quốc vào ngày 18.3, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích Bắc Kinh củng cố yêu sách phi pháp ở Biển Đông.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị ở bang Alaska vào ngày 18.3 (giờ Mỹ). Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ-Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào ngày 20.1.

 

Trước đó, Bắc Kinh đã kêu gọi khởi động lại quan hệ song phương, nhưng Washington cho hay cuộc gặp Alaska sắp tới sẽ chỉ diễn ra một lần và bất kỳ cuộc tiếp xúc tương lai sẽ tùy thuộc vào việc Trung Quốc có cải thiện hành vi của mình hay không, theo Reuters.

 

Hôm 17.3, trong lúc ở Nhật và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Blinken đều lên án những hành động "cưỡng ép và hung hăng" của Trung Quốc, trong đó có "củng cố yêu sách biển ở Biển Đông một cách phi pháp”, Ngoại trưởng Blinken cảnh báo khi bắt đầu cuộc đối thoại với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong ở Seoul, theo Reuters.

[VIDEO] Hội đàm bộ trưởng Mỹ - Nhật: Washington "sẽ đáp trả" nếu Trung Quốc cưỡng ép, gây hấn

Cũng trong ngày 17.3, Đại sứ  Trung Quốc Thôi Thiên Khải viết trên Twitter rằng cuộc gặp Alaska nên là sự khởi đầu của cuộc liên lạc song phương mang tính xây dựng. “Sức ép và lệnh cấm vận đơn phương chỉ dẫn tới ngõ cụt”, ông Thôi viết. Một nguồn thạo tin ở Bắc Kinh cũng đã tiết lộ với Reuters rằng Trung Quốc hy trong cuộc gặp sắp tới, hai bên sẽ ủng hộ thiết lập khuôn khổ cho việc nối lại tiếp xúc chứ không tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể.

 

Trong khi đó, giới chức Mỹ đã công khai khẳng định cuộc gặp Alaska không phải đánh dấu việc hai bên sẽ quay lại đối thoại đều đặn. Một quan chức Mỹ cấp cao cũng đã nhấn mạnh Washington sẽ nhìn vào “hành động, không phải ngôn từ”  để xem liệu Bắc Kinh có thật sự muốn thay đổi tình trạng của mối quan hệ song phương hay không, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.