Mỹ rục rịch khôi phục đối thoại về thỏa thuận thương mại với Đài Loan

Khánh An
Khánh An
08/06/2021 07:32 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng nên khôi phục đối thoại về thỏa thuận thương mại với Đài Loan, một động thái mà nếu xảy ra thì nhiều khả năng sẽ bị Trung Quốc phản ứng.

Hãng Reuters ngày 8.6 đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cập đến khả năng nối lại đối thoại về thương mại và đầu tư với Đài Loan, vốn bị trì hoãn từ thời Tổng thống Barack Obama.
Tại phiên điều trần về đề xuất ngân sách thường niên của Bộ Ngoại giao trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông Blinken được hỏi về quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về thỏa thuận thương mại với Đài Loan.
“Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ có câu trả lời cụ thể, nhưng tôi biết rằng chúng tôi đang, hoặc sẽ sớm có thảo luận với Đài Loan về một dạng thỏa thuận khung, và các cuộc thảo luận này chắc là cũng đang khởi động”, ông đáp.
Nhận định về bình luận của ông Blinken, một phát ngôn viên của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết: “Mỹ cho rằng điều quan trọng là tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại song phương với Đài Loan. Chúng tôi hiện chưa có cuộc gặp nào để thông báo”.

[VIDEO] Mỹ tặng Đài Loan 750.000 liều vắc xin Covid-19

Một phát ngôn viên văn phòng đại diện Đài Loan tại Washington khẳng định đang tham gia thảo luận với Đại diện thương mại Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ đạt tiến triển về mối quan hệ thương mại song phương.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Đài Loan tại tổ chức German Marshall Fund (Mỹ) cho rằng phát biểu của ông Blinken là tín hiệu thể hiện việc Washington muốn khôi phục cơ chế đối thoại khung về thương mại, đầu tư với Đài Loan, vốn không còn được tổ chức kể từ thời ông Obama.
Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền Mỹ có lẽ chưa có quyết định liệu có bước tiến lớn hơn trong việc theo đuổi thỏa thuận thương mại với Đài Loan hay không.
Một thỏa thuận như vậy rất có thể sẽ làm mất lòng Trung Quốc. Theo bà Glaser, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ trích việc Mỹ nối lại thảo luận thương mại với Đài Loan vì lo ngại điều này sẽ dẫn đến kết cục là một hiệp định thương mại tự do, và khuyến khích các nước khác, ví dụ như Anh, tiếp bước đàm phán thương mại với vùng lãnh thổ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.