Mỹ quan ngại việc Trung Quốc can thiệp hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam

23/08/2019 00:12 GMT+7

Ngày 22.8, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố ngày 22.8, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 quay lại hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam từ ngày 13.8 là "hành động cưỡng bức".
Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời lên án Trung Quốc có “hàng loạt hành động khiêu khích” nhằm can dự vào hoạt động kinh tế lâu dài ở Biển Đông bằng cách đưa ra tuyên bố tranh chấp chủ quyền với các nước ASEAN. 
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm “áp đặt buộc các quốc gia này không hợp tác với những công ty khai thác dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc”.
“Những hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh và hòa bình khu vực, gây thiệt hại kinh tế cho các nước Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn họ tiếp cận nguồn tài nguyên chưa được khai thác với tổng giá trị ước tính lên đến 2,5 nghìn tỉ USD”, cũng theo tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các công ty năng lượng của nước này đã bày tỏ sự quan tâm đối với Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng cho các đối tác, đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để hoạt động khai thác dầu khí phục vụ thị trường toàn cầu không bị gián đoạn”.
Ngoài ra, Mỹ cũng thường xuyên điều tàu chiến tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu Kiểm ngư Việt Nam (phải) thực hiện các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán để bảo vệ vùng biển Việt Nam, không cho tàu Hải Dương Địa chất 8 hoạt động trái phép. Tuy nhiên, tàu hải cảnh 3501 của Trung Quốc (trái) chạy tốc độ cao, ngăn cản không cho tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ

Ngư dân cung cấp

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo ngày 22.8 khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của mình và không phủ nhận khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về những vi phạm ngang ngược trên Biển Đông.
“Như đã thông tin vào ngày 16.8, trong những ngày qua (tức là từ 13.8 cho đến nay), nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo các Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Người phát ngôn nhấn mạnh Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không tiếp tục có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh của Biển Đông và khu vực.
“Các lực lượng chức năng trên biển Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế... Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”, cũng theo bà Hằng.
Một lần nữa, tại buổi họp báo này, bà Lê Thị Thu Hằng “đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực; an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.