Mỹ phát triển 'sát thủ không gian' chặn tên lửa

20/08/2020 20:00 GMT+7

Quân đội Mỹ đang tập trung nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ từ không gian nhằm chống lại vũ khí bội siêu thanh.

Vũ khí tối thượng

Cuộc đua phát triển vũ khí bội siêu thanh giữa các cường quốc quân sự hàng đầu đang được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Các đối thủ của Mỹ đã biên chế một số loại vũ khí bội siêu thanh đáng gờm, cùng các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thế hệ mới khiến cho việc phòng thủ trở nên ngày càng khó khăn. Nguy cơ bị tấn công từ những loại vũ khí này đang thúc đẩy Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) phát triển hệ thống cảm biến mới từ không gian nhằm phát hiện, theo dõi để giúp tiêu diệt sớm mối đe dọa từ bên ngoài khí quyển.
Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề về phòng thủ tên lửa và không gian hồi đầu tháng 8, Giám đốc MDA Jon Hill giải thích các cảm biến ngoài không gian là vũ khí tối thượng vì có tầm hoạt động bao quát toàn cầu. Các cảm biến khởi động chuỗi phản ứng bằng cách gửi tín hiệu cảnh báo. Sau đó, các radar sẽ theo dõi tên lửa để các hệ thống khác phóng vũ khí đánh chặn.
Theo chuyên san The National Interest, cảm biến từ các vệ tinh trong không gian có ưu điểm là tầm bao quát rộng và có thể theo dõi mục tiêu liên tục nhờ mạng lưới vệ tinh được bố trí khắp các khu vực phía trên trái đất. Không quân Mỹ đang phát triển loại cảm biến hồng ngoại từ không gian thế hệ mới có khả năng phát hiện việc phóng tên lửa ở khoảng cách xa hơn các cảm biến SIBR hiện tại. Loại cảm biến này được gọi là Hệ thống trinh sát hồng ngoại liên tục trên không thế hệ mới (Next – Gen OPIR), do hãng Northrop Grumman phát triển. Quân đội Mỹ hồi tháng 5 trao gói thầu trị giá 2,37 tỉ USD cho Northrop Grumman để sở hữu 2 hệ thống này.
Những cảm biến mới có thể phát hiện dấu hiệu nhiệt từ vụ phóng tên lửa và nhanh chóng gửi thông tin đến trung tâm kiểm soát và chỉ huy. Các cảm biến được lắp đặt trên mạng lưới vệ tinh bay ở quỹ đạo gần trái đất hơn so với vệ tinh thông thường. Các vệ tinh được tăng cường khả năng kết nối với nhau nhằm có thể nhanh chóng chia sẻ thông tin theo thời gian thực. Điều này được đánh giá là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc phòng thủ chống vũ khí bội siêu thanh vì loại vũ khí này có tốc độ bay nhanh hơn vận tốc âm thanh ít nhất 5 lần.

Mạng lưới bao phủ rộng khắp

Mô phỏng tên lửa ngăn chặn vũ khí bội siêu thanh

DARPA

Thay vì triển khai nhiều hệ thống radar trên bộ hoặc trên biển, một mạng lưới cảm biến duy nhất từ không gian có thể xác định và theo dõi liên tục quỹ đạo bay của tên lửa đối phương, đảm bảo không xảy ra tình trạng mất tín hiệu tạm thời khi tên lửa bay từ vùng hoạt động của cảm biến này sang vùng của cảm biến khác.
Tờ South China Morning Post hồi tháng 5 đưa tin Mỹ dự định phóng 150 vệ tinh loại này, trong đó 20 chiếc đầu tiên sẽ được đưa vào quỹ đạo vào năm 2022 và số còn lại được phóng lên trong 2 năm tiếp theo. Theo Giám đốc MDA Jon Hill, nhiều thành tố trong hệ thống phòng thủ tên lửa này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm. Tuy nhiên, ưu tiên của MDA là sở hữu cảm biến có thể nhận biết, theo dõi và truyền thông tin đến các vũ khí đánh chặn.
Trong khi loại vũ khí đánh chặn tiếp theo được phát triển, quân đội Mỹ sẽ tận dụng các loại sẵn có từ hệ thống phòng không Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của lục quân hoặc tên lửa SM3 từ các hệ thống Aegis trên bờ và trên tàu chiến của hải quân Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể sử dụng Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa (GMD) với các tên lửa đánh chặn đặt tại căn cứ ở Alaska và California để ngăn chặn các mối đe dọa. GMD có thể nhận dữ liệu từ nhiều cảm biến từ vũ trụ, trên biển và trên bộ để xác định mục tiêu, thiết lập phương án phòng thủ tốt nhất và phóng tên lửa đánh chặn để tiêu diệt tên lửa đối phương.
 

Hải quân Nga sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân siêu vượt âm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.