Mỹ - Nhật thách thức các 'lằn ranh đỏ' của Trung Quốc

19/04/2021 07:05 GMT+7

Thông cáo chung được phát đi, sau khi lãnh đạo Mỹ - Nhật có hội nghị thượng đỉnh song phương, cho thấy hai nước không ngần ngại thách thức các “ lằn ranh đỏ ” do Trung Quốc vạch ra.

Sáng 17.4 (theo giờ VN), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã có hội nghị thượng đỉnh song phương tại Nhà Trắng (Mỹ).

Chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ

Sau hội nghị, hai bên đã đưa ra thông cáo chung với nhiều vấn đề song phương. Kèm theo đó, thông cáo cũng nhấn mạnh việc Washington và Tokyo hợp tác tăng cường phối hợp của “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Úc để đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), đồng thời chỉ trích Trung Quốc về một loạt vấn đề như Biển Đông, biển Hoa Đông, Đài Loan, tình hình Hồng Kông và Tân Cương.

Nhật sắp tiếp nhận máy bay RQ-4B Global Hawk

Mỹ - Nhật thách thức các “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc

Ảnh: Northrop Grumman

Tập đoàn công nghệ quốc phòng và không gian Northrop Grumman (Mỹ) mới đây phát đi thông báo vừa thử nghiệm chuyến bay đầu tiên thành công cho máy bay không người lái (UAV) RQ-4B Global Hawk của Nhật để tiến tới bàn giao cho Tokyo.
Đây là dòng UAV tối tân chuyên dụng trinh sát, thu thập thông tin và phối hợp tổ chức tác chiến sẽ giúp ích đáng kể cho Nhật Bản trong việc kiểm soát các khu vực xung quanh nước này vốn ẩn chứa nhiều căng thẳng. Năm 2018, Nhật đặt mua 3 chiếc RQ-4B Global Hawk (ảnh) kèm theo các trang thiết bị cần thiết trong đơn hàng có tổng trị giá gần 500 triệu USD.

Trong đó, về vấn đề Biển Đông, thông cáo nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại các phản đối về các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định mối quan tâm chung mạnh mẽ về một Biển Đông tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó tự do hàng hải và hàng không được đảm bảo, phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982”.
Ngoài ra, thông cáo còn tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn đối với CHDCND Triều Tiên, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ theo nghị quyết của HĐBA LHQ và kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ.
Ngay sau thông cáo trên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã phản ứng rằng Mỹ và Nhật Bản đang can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Thực tế, những nội dung thông cáo chung được đưa ra ở trên có tính quyết liệt hơn rất nhiều so với những gì được nêu ra trong các hội nghị song phương lẫn đa phương mà có Mỹ và Nhật cùng tham dự gần đây.

Bước tiến trong chiến lược của Nhật

Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá tuyên bố chung Mỹ - Nhật đề cập đến nhiều lĩnh vực chắc chắn khiến Bắc Kinh giận dữ.
“Thứ nhất, việc Mỹ và Nhật “nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển” đã đụng chạm tới “lằn ranh đỏ” quan trọng nhất đối với Bắc Kinh, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc”, PGS Nagy nhận xét.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Nagy, cùng với những lời chỉ trích rõ ràng “về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương” và “các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng kinh tế và các hình thức cưỡng bức khác”, Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích rõ ràng Trung Quốc về hành vi nghiêm trọng trong nước và quốc tế.
“Việc Nhật Bản đồng ý tham gia những chỉ trích cứng rắn chống lại Trung Quốc là rất quan trọng vì Tokyo trước đó nhiều lần miễn cưỡng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh một cách công khai vì sợ bị trả đũa”, PGS Nagy nhận xét.
Với việc đặt Indo-Pacific tự do và rộng mở vào tuyên bố chung, cả hai bên đã thực thi lại cam kết của mình đối với một khu vực dựa trên luật lệ, đồng thời đóng góp đảm bảo an ninh và cung cấp các hàng hóa công cho khu vực Indo-Pacific.
“Tất cả các đồng minh và đối tác của Washington sẽ phấn khởi với tuyên bố chung Mỹ - Nhật lần này vì nó đại diện cho một Washington tập trung vào liên minh, chiến lược và chặt chẽ trong cách tiếp cận đối với Indo-Pacific và Trung Quốc”, PGS Nagy kết luận.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.