Mỹ, Nga đua robot hóa khí tài

20/12/2016 13:00 GMT+7

Mỹ và Nga đang tập trung phát triển các thiết bị không người lái nhằm tìm kiếm ưu thế trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay.

Trong cuộc đua chế tạo thiết bị bay không người lái (UAV), Mỹ được xem là nước đi đầu với nhiều sản phẩm đã khẳng định hiệu quả. Trong khi đó, Nga là nước xuất phát sau trong lĩnh vực phát triển UAV, nhưng cũng đang cố gắng đuổi theo Mỹ bằng những dự án đáng chú ý.
Trực thăng không người lái
Máy bay trực thăng Bell UH-1 Iroquois huyền thoại của Mỹ, còn được biết đến với tên gọi Huey, rất đa năng. Nó đóng vai trò phương tiện vận tải quân sự, trực thăng chiến đấu, di chuyển cấp cứu, tìm kiếm cứu hộ, chiến dịch đặc biệt và tác chiến chống ngầm. Gần như bất kỳ việc gì cần huy động trực thăng, Huey đều làm được. Nhưng giờ đây, Huey còn có thể trở thành một UAV.
Theo chuyên san quân sự The National Interest, hãng sản xuất UAV Aurora Flight Sciences có kế hoạch để Huey có thể tự bay như một robot tự động vào năm 2018. Đây là một phần trong dự án của Văn phòng nghiên cứu hải quân Mỹ có tên gọi Chương tình hệ thống đa dụng và vận tải hàng không tự động (AACUS) nhằm tùy biến máy bay trực thăng có người lái thành phương tiện không người lái trong tương lai.
Các nhà thiết kế Mỹ khẳng định hệ thống AACUS không phải là máy bay mà là một bộ công cụ đặc biệt. Lắp đặt hệ thống này cho những mẫu máy bay cánh quạt giống như Huey sẽ giúp máy bay này có thể tự động bay đến những vị trí đã đề ra trước đó và cần rất ít kiểm soát từ đơn vị điều phối dưới mặt đất. Chỉ cần một thay đổi, phi công có thể được đưa vào buồng lái và điều khiển máy bay trực thăng như bình thường.
AACUS kết hợp các phần mềm tinh vi với hệ thống radar sử dụng tia laser để phát hiện chướng ngại vật ở khu vực hạ cánh. Nhờ vậy, máy bay trực thăng tự hạ cánh ở các khu vực thuận lợi. Hiện hệ thống AACUS cũng đã được phát triển cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Mục tiêu đặt ra của dự án này là giúp các binh sĩ có thể dễ dàng điều khiển trực thăng không người lái mà không đòi hỏi quá nhiều thời gian huấn luyện. Chỉ cần ra lệnh máy bay đến đâu, máy tính sẽ đảm nhiệm phần việc còn lại.
Dễ hiểu lý do tại sao lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, hay bất kỳ tổ chức quân sự nào, đều mong muốn điều này. Nếu một tiền đồn xa xôi hay một nhóm tuần tra cự ly dài cần được tiếp tế trên không, một phi công bằng xương bằng thịt phải vận chuyển hàng hóa đến đó, bất kể hỏa lực của đối phương, thời tiết không thuận lợi và địa hình xấu. Rõ ràng, một robot có thể được trưng dụng để đảm trách sứ mệnh nguy hiểm này thay con người.
Trong chương trình AACUS, Hãng Aurora, có trụ sở chính ở thành phố Manassas, thuộc bang Virginia, đang phát triển Hệ thống hậu cần tự động chiến thuật trên không (TALOS). Hệ thống này đã được thử nghiệm trên chiếc Boeing H-6U, phiên bản không người lái của máy bay trực thăng hạng nhẹ MH-6 Little Bird được các lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng. Nó cũng được vận hành thử trên chiếc Bell 206, phiên bản dùng cho mục đích dân sự của máy bay trực thăng OH-58 Kiowa. Theo kế hoạch, chương trình AACUS sẽ được hoàn tất bằng một màn biểu diễn của TALOS trên trực thăng Huey.
AACUS là một phần xu hướng chế tạo các máy bay gần như có thể tự bay một mình. Những loại UAV cũ hơn, chẳng hạn như Predator, thực ra là những máy bay không người lái cần có phi công trên mặt đất điều khiển để có thể bay liên tục. Nhưng quân đội Mỹ và những công ty như Amazon đang phát triển những loại UAV có thể tự bay với rất ít sự điều khiển từ mặt đất.
Hiện máy bay do thám RQ-4 Global Hawk có kích cỡ bằng máy bay chở khách đã có thể bay theo tuyến đường được lập trình sẵn, các phi công ở trạm mặt đất chỉ can thiệp khi cần thay đổi hướng, tốc độ và cao độ.
Theo giới chuyên gia, dù không còn được sử dụng nhiều như trước đây nhưng những tính năng của Huey vẫn phù hợp với các nhiệm vụ ngày nay. Hiện không quân Mỹ vẫn đang sử dụng khoảng 60 mẫu UH-1N. Trong bối cảnh đó, kế hoạch “UAV hóa” mẫu trực thăng huyền thoại này của Mỹ có thể giúp Huey tung cánh trở lại nhiều hơn trong tương lai, cũng như mở ra khả năng kinh doanh công nghệ nói trên vì nhiều nước vẫn rất ưa chuộng mẫu trực thăng đa dụng này.
“Tàu sân bay UAV”
Trong khi đó tại Nga, hãng Kalashnikov vừa công bố kế hoạch sản xuất một phương tiện không người lái có thể mang các UAV chiến thuật là Triton. Theo tờ Izvestia, phương tiện này sẽ được chế tạo trong khuôn khổ chương trình được Bộ Quốc phòng Nga phê duyệt với tên gọi “Chế tạo robot quân sự triển vọng năm 2025”.
Theo thiết kế của ZALA AeroGroup, công ty con của Kalashnikov, Triton có hình dạng của một chiếc tàu 2 thân, có thể chở theo máy bay, tàu ngầm và tàu trinh sát. Bên cạnh đó, Triton cũng có thể tiêu diệt mục tiêu bằng các trạm vũ khí điều khiển từ xa, được trang bị loại súng máy PKT cỡ nòng 7,62 mm. Triton có 2 động cơ diesel và tầm hoạt động 750 hải lý (gần 1.000 km). Hai UAV chiến thuật mà Triton chở theo có thể bổ sung thêm khoảng 30 km vào tầm hoạt động của “tàu mẹ”. Với kích thước nhỏ, các UAV ZALA 421-08M và ZALA 421-21 khó bị đối phương phát hiện, và có thể tiến hành các hoạt động theo dõi bí mật.

tin liên quan

Siêu vũ khí dưới nước của Nga
Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây xác nhận Nga sở hữu một phương tiện không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tổng giám đốc Kalashnikov, ông Alexey Krivoruchko nói với Izvestia: “Chúng tôi đang tích cực phát triển kiến thức trong lĩnh vực thiết bị không người lái. Mục tiêu của chúng tôi là tích hợp chúng vào một hệ thống, và các thành phần của hệ thống đó có thể tương tác với nhau”. Theo ông này, hệ thống “tàu sân bay không người lái” sẽ giúp Nga tuần tra bờ biển và tham gia các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ một cách hoàn toàn tự động. Triton sẽ được bố trí một hệ thống ti vi, radar và thiết bị định vị thủy âm nhằm phát hiện đối phương.
Theo trang tin Russia Beyond the Headlines, hệ thống này không chỉ độc lập theo dõi các điều kiện trên không, trên bề mặt và dưới nước trong khu vực tuần tra, mà còn chỉ đường cho người nhái, máy bay trực thăng và tàu tuần duyên đối phó kẻ thù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.