Mỹ khẳng định không nghiên cứu tên lửa bội siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân

Khánh An
Khánh An
08/11/2019 13:53 GMT+7

Quan chức cấp cao Mỹ khẳng định nước này không nghiên cứu trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa bội siêu thanh như Nga và Trung Quốc .

Tạp chí National Defense ngày 8.11 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Lisa Gordon-Hagerty cho biết nước này hiện không có dự án nào nhằm trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa bội siêu thanh, dù tên lửa này là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hiện đại hóa của Bộ Quốc phòng.
“Chúng tôi hiện không triển khai dự án bội siêu thanh hạt nhân nào, không như các nước khác”, theo bà Gordon-Hagerty, quan chức kiêm nhiệm vị trí đứng đầu Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) phụ trách duy trì và giám sát dự trữ vũ khí hạt nhân.
Nhằm đối phó với sự cạnh tranh từ Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ xem vũ khí bội siêu thanh là ưu tiên số 1 trong nghiên cứu và phát triển. Tên lửa bội siêu thanh có thể đạt tốc độ tối thiểu gấp 5 lần vận tốc âm thanh và dễ điều khiển nhằm tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.
Nga và Trung Quốc công khai ý định sử dụng vũ khí bội siêu thanh và đang tăng tốc nghiên cứu và phát triển. Theo National Defense, 2 nước này thừa nhận đang theo đuổi dự án tên lửa bội siêu thanh có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

[VIDEO] Mỹ thử tên lửa hành trình bị Hiệp ước INF giới hạn

Bà Gordon-Hagerty cho biết Mỹ từng nghiên cứu về việc trang bị đầu đạn hạt nhân trên tên lửa loại này vào khoảng năm 1980, trong khi không có dự án nào đang tiến hành.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), nước này tập trung vào các đầu đạn thông thường nên vũ khí mang đầu đạn loại này cần phải có độ chính xác cao hơn và đối diện nhiều thách thức kỹ thuật hơn các hệ thống vũ khí trang bị hạt nhân của Trung Quốc và Nga.
“Chúng tôi không chế tạo vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đang bước vào thế kỷ 21” bà Gordon-Hagerty nói và cho biết các đầu đạn hạt nhân dự trữ trong 15-20 năm sẽ phải gia hạn thời gian lưu trữ đến vài thập niên nữa.
NNSA hoàn tất việc gia hạn thời gian sử dụng đối với đầu đạn nhiệt hạch W76-1 của Hải quân được đưa ra vào khoảng năm 1970 và được thiết kế để dùng trên hệ thống tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm. Cơ quan này cũng đang triển khai chương trình gia hạn đối với đầu đạn loại mới W76-2 vốn có sức công phá nhỏ hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.