Mỹ kêu gọi ASEAN ủng hộ phán quyết về Biển Đông

30/04/2016 08:20 GMT+7

Giới chức Mỹ và các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa, mở rộng tuần tra với mục tiêu là kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ hôm 29.4, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết nhất trí ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Lâu nay, nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này, dự kiến sẽ được đưa ra trong tháng 5 hoặc tháng 6.
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Blinken nhắc lại rằng trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Mỹ hồi tháng 2, Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo 10 nước ASEAN đã nhất trí tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua công cụ pháp lý. “Chúng tôi hy vọng ASEAN, như đã thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh vừa rồi, bày tỏ ủng hộ đối với những nguyên tắc cơ bản này và chúng tôi muốn điều đó cũng diễn ra khi phán quyết được công bố”, ông Blinken kêu gọi.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Úc) công bố nghiên cứu mới của 2 học giả Ashley Townshend và Rory Medcalf cho rằng chiến lược hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông là tránh hành động gây hấn chiến thuật nhưng tiếp tục bồi đắp, quân sự hóa các bãi đá, mở rộng tuần tra hải quân để tạo ra những vùng “kiểm soát thực tế”.
Từ đó, 2 ông đề xuất các quốc gia trong và ngoài khu vực nên thường xuyên tiến hành chiến dịch tuần tra nhằm duy trì tự do lưu thông trong phạm vi 12 hải lý xung quanh những đảo, bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, cũng như nâng cao khả năng ứng phó tình trạng nước này tăng cường hiện diện gây lo ngại trên Biển Đông.
Trung Quốc ra sức vận động
Trước khi tòa án quốc tế sắp đưa ra phán quyết có thể gây bất lợi, Trung Quốc cũng đang cấp tập vận động các nước đối tác ủng hộ lập trường về Biển Đông của mình, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ở Bắc Kinh ngày 29.4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hai bên “có cùng quan điểm rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp”, theo Hãng tin Itar-TASS.
Còn ông Lavrov cũng một lần nữa lặp lại phát ngôn từng gây nhiều phản ứng rằng vấn đề Biển Đông “không nên bị quốc tế hóa”. Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc loan tin “hơn 10 nước tôn trọng lập trường của Trung Quốc”.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gây xôn xao khi tuyên bố “đạt thỏa thuận 4 điểm” với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Sau đó, một số quan chức ASEAN và nhiều chuyên gia đã chỉ trích Bắc Kinh đang tìm cách chia rẽ khối này trước khi có phán quyết của PCA.
Ngoài ra, AFP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân dọa về “hậu quả tiêu cực” nếu Philippines thắng kiện. Ông này còn đề xuất một tuyên bố chung trong đó ASEAN và Trung Quốc tái cam kết tuân theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong, hiện là Đại sứ lưu động của Singapore, tỏ ra nghi ngờ về sự cần thiết cho tuyên bố nói trên.
“Tại sao cần thêm tuyên bố khi đã có DOC mà các thành viên ASEAN đã nhất trí trong 14 năm qua?”, tờ The Straits Times hôm 29.4 dẫn lời ông nhấn mạnh. Cùng ngày, theo Yonhap, Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc Vikram Doraiswami khẳng định trong một buổi thảo luận do Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc tổ chức rằng mọi tranh chấp nên được giải quyết theo hướng duy trì tự do lưu thông.
Lầu Năm Góc ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho VN
Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 29.4, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter xác nhận ông ủng hộ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho VN, theo Reuters.
Cụ thể, khi Chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ John McCain hỏi về vấn đề này, ông Carter trả lời: “Chúng ta đã thảo luận nhiều trước đây, và tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của ngài trong vấn đề này và tôi ủng hộ”. Theo giới quan sát, đây có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm VN vào tháng tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.