Mỹ đưa 'mắt thần' tới giám sát Biển Đông

11/06/2020 06:54 GMT+7

Bên cạnh oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer, máy bay không người lái do thám RQ-4 Global Hawk cũng đã được Mỹ điều đến Biển Đông nhằm tăng cường khả năng giám sát trước các hoạt động đáng lo ngại của Trung Quốc .

Hôm qua (10.6), Đài Fox đưa tin không quân Mỹ hiện không chỉ điều động máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer mà còn có cả máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk chuyên dụng trinh sát, do thám.

“Mắt thần” giám sát 24/7

Cùng ngày 10.6, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Global Hawk cung cấp khả năng giám sát gần như theo thời gian thực ở một khu vực rộng lớn. Nếu triển khai 3 chiếc Global Hawk luân phiên thì gần như có thể giám sát 24/7”.
Giải thích thêm, cựu đại tá Schuster cho biết: “Dòng máy bay này được trang bị radar có khẩu độ tổng hợp lớn và kèm theo là các hệ thống hồng ngoại, quang học điện tử thu thập hình ảnh tầm xa, cũng như được hỗ trợ bằng nhiều thiết bị điện tử khác. Nhờ đó, Global Hawk không bị “mù” khi hoạt động trong điều kiện nhiều mây hay bóng tối. Loại UAV này truyền gửi dữ liệu về trung tâm điều khiển gần như tức thời để đảm bảo khả năng giám sát, phản ứng nhanh chóng”.
Chính vì thế, việc triển khai Global Hawk có thể xem là biện pháp để Mỹ lấp đầy mạng lưới trinh sát trên không ở Biển Đông, sau khi Lầu Năm Góc gần đây đã điều động các dòng máy bay trinh sát như RC-135, hay các loại máy bay trinh sát săn tàu ngầm P-3 Orion và P-8 Poseidon hoạt động ở vùng biển này. Những loại máy bay này không thể hoạt động thường xuyên và gặp nhiều hạn chế trong điều kiện mây mù, nên việc bổ sung Global Hawk sẽ giúp giải quyết các hạn chế.

Đáp trả mạng lưới kiểm soát của Bắc Kinh

Cũng trả lời Thanh Niên ngày 10.6, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) đánh giá: “Việc Mỹ triển khai máy bay Global Hawk đến Biển Đông là nhằm tăng cường khả năng giám sát hàng hải tại đây, bởi Trung Quốc không ngừng mở rộng kiểm soát vùng biển này. Động thái này không chỉ để tăng cường khả năng giám sát ở Biển Đông, mà còn có thể giúp Mỹ cùng một số nước đưa ra các biện pháp phản ứng nhanh chóng khi cần thiết”.
RQ-4 Global Hawk
Kích thước: dài 14,5 m, sải cánh 40 m, cao 4,6 m
Trọng lượng: 14,6 tấn
Khả năng hoạt động:
Tốc độ tối đa khoảng 600 km/giờ
Tầm hoạt động hơn 22.000 km
Có thể hoạt động liên tục hơn 32 tiếng
Trần bay đạt 18.000 m.
Theo PGS-TS Nagy, việc điều động Global Hawk cũng thể hiện Mỹ đang tiên phong trong chiến dịch thu thập thông tin tình báo nhằm đẩy lùi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thực tế, Trung Quốc thời gian qua liên tục có nhiều hành vi gây rối và tìm cách kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Năm ngoái, tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới UAV theo dõi, giám sát những thực thể ở Biển Đông. Số UAV này cũng tích hợp khả năng truyền hình ảnh tức thì về trung tâm chỉ huy. Khi đó, trả lời Thanh Niên, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia về quốc phòng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận xét: “Các UAV là một phần của mạng lưới tình báo thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) của Trung Quốc trên Biển Đông. Mạng lưới ISR không chỉ dựa vào nền tảng của một vài loại cảm biến đơn thuần vốn có thể bị cản trở, ví dụ như vệ tinh bị mây che phủ. Vì thế, UAV giúp lấp đầy những khoảng trống nhất định”.
Vì thế, việc điều động Global Hawk được xem là cách Washington đáp trả mạng lưới giám sát của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Washington gửi đến thông điệp địa chính trị rằng đang thiết lập “đôi mắt” giám sát Biển Đông. Động thái này mở ra giai đoạn tiếp theo trong chiến lược tăng cường hiện diện ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến đáng lo ngại”, cựu đại tá Schuster nhận xét.
Philippines tiếp tục xây dựng ở đảo Thị Tứ
Philippines tiếp tục xây dựng ở đảo Thị Tứ

Khu bãi phục vụ vận chuyển thiết bị xây dựng lên đảo Thị Tứ

ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG PHILIPPINES

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vừa thông báo nước này có kế hoạch chi 1,3 tỉ peso (606 tỉ đồng) để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ. Đây là đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát. Theo trang tin Rappler, Bộ trưởng Lorenzana đưa ra thông báo trên sau khi đến đảo Thị Tứ ngày 9.6 để dự lễ khánh thành một khu bãi phục vụ vận chuyển các vật liệu xây dựng và thiết bị hạng nặng lên đảo Thị Tứ. Chi phí cho việc xây dựng công trình này là 268 triệu peso. Cũng theo Rappler, Philippines sẽ sửa lại đường băng trên đảo Thị Tứ, đồng thời khánh thành một bến tàu mới trên đảo này vào ngày 12.6.
Huỳnh Thiềm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.