Mỹ cảnh báo thảm họa xung điện từ

Khánh An
Khánh An
25/01/2019 08:33 GMT+7

Một vụ tấn công xung điện từ sẽ xóa sổ 90% dân số ở bờ đông nước Mỹ, đồng thời kéo theo thảm họa dây chuyền khi hàng loạt lò phản ứng hạt nhân bị rò rỉ.

Đại học Không quân Mỹ công bố báo cáo về nguy cơ tấn công xung điện từ (EMP), nhất là trong bối cảnh các nước như CHDCND Triều Tiên, Nga, Trung Quốc và Iran có thể sở hữu công nghệ hạt nhân để chế tạo loại vũ khí này. Tờ Washington Examiner dẫn báo cáo tựa đề “Lực lượng phòng thủ xung điện từ” nêu rõ một vụ tấn công EMP sẽ đe dọa sự tồn tại của “nền dân chủ Mỹ và trật tự thế giới”. Đúc kết từ nội dung trao đổi tại một cuộc thảo luận kín của các quan chức từ 40 cơ quan, ban ngành của Mỹ mới đây, giới chuyên gia nhận định chính phủ đang thiếu chuẩn bị trong việc đối phó nguy cơ này.
Theo báo cáo, một quốc gia thù địch với Mỹ có thể kích nổ vũ khí nhiệt hạch ở độ cao 400 km để tạo ra sóng điện từ với độ bao phủ toàn quốc, đủ để vô hiệu hóa hệ thống tác chiến và viễn thông điện tử, đánh sập lưới điện và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Các chuyên gia cảnh báo cuộc tấn công có thể diễn ra chớp nhoáng và gây thiệt hại “như trong phim viễn tưởng”. Trong tình huống xấu nhất, Mỹ sẽ mất điện suốt nhiều tháng, dẫn tới tình trạng tử vong hàng loạt, xóa sổ 90% dân số ở bờ đông do bệnh viện không thể hoạt động, dịch vụ cấp cứu bị ảnh hưởng trong khi hàng triệu người thiếu thốn lương thực, nước uống. Tờ Daily Express dẫn lời Chủ tịch Ủy ban EMP thuộc quốc hội Mỹ William Graham ước tính sẽ phải mất khoảng một năm rưỡi để phục hồi mạng lưới điện. “Dân số 326 triệu người của Mỹ không thể sống sót lâu nếu bị tấn công EMP vì nền văn minh điện tử đang duy trì cuộc sống của họ. Mất điện kéo dài trên cả nước sẽ giết chết hàng triệu người vì bệnh tật, đói khát và xã hội sẽ sụp đổ”, ông cảnh báo.
Nghiêm trọng hơn nữa là 99 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước sẽ lâm vào thảm họa do không có điện làm mát, ảnh hưởng tức thời khoảng 4,1 triệu người trước khi đám mây phóng xạ lan rộng. Mặt khác, các dòng máy bay quân sự hiện tại không được thiết kế để chịu được sóng xung điện từ còn những căn cứ quân sự bị mất liên lạc khiến Mỹ không thể phản công. Việc xác định nước nào tấn công cũng sẽ rất khó khăn, nhất là trong trường hợp vũ khí được đặt trên vệ tinh.
Trước viễn cảnh “tận thế” nói trên, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Giáo dục vào Đào tạo không quân Steven Kwast kêu gọi cần chủ động đánh giá khả năng EMP từ các đối thủ tiềm tàng hiện tại lẫn trong tương lai hơn là chỉ chuẩn bị đối phó khi xảy ra tấn công, theo trang Newsmax. Bên cạnh đó, ông khuyến cáo cần chuẩn bị cho cả trường hợp kẻ thù tiếp tục phá hoại quá trình sửa chữa mạng lưới điện và các mục tiêu khác sau khi tấn công EMP. Nhóm tác giả báo cáo kêu gọi chính phủ cần tuyên bố nguy cơ tấn công EMP là “vấn đề thực tế và nguy cấp”, đồng thời tiến hành chiến dịch cảnh báo các cơ quan chức năng và người dân về mối nguy này. “Một vụ tấn công EMP sẽ gây thiệt hại không thể tưởng tượng nhưng Mỹ hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để ứng phó”, báo cáo nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.