Mỹ cách ly người nhiễm vi rút corona như thế nào?

26/01/2020 19:00 GMT+7

Một bệnh nhân 60 tuổi đang bị cách ly tại bệnh viện ở Chicago (Mỹ) sau khi bác sĩ xác nhận người này nhiễm vi rút corona bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc , và quy trình cách ly được thực hiện vô cùng cẩn mật.

Đài NBC News dẫn lời bác sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Bệnh về đường hô hấp và miễn dịch của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh), cho hay thời gian ủ bệnh của dòng vi rút corona mới, gọi là 2019-nCoV, ước tính khoảng 14 ngày, kể từ thời điểm bị phơi nhiễm đến lúc phát bệnh.
Cách ly được áp dụng nhằm tách người mắc bệnh truyền nhiễm khỏi người khỏe mạnh, bằng cách tạo dựng một hàng rào an toàn xung quanh bệnh nhân.

Làm sao để cách ly bệnh nhân nhiễm vi rút corona?

Bệnh nhân nhiễm vi rút corona cần được “cách ly hô hấp”, theo bác sĩ William Schaffner, giáo sư Đại học Vanderbilt và là giám đốc y khoa của Tổ chức Các bệnh truyền nhiễm quốc gia. “Ai nấy đi vào khu vực cách ly đều phải mang khẩu trang đặc biệt N-95”, ông cho biết. N-95 là dạng có thể lọc đến 95% các dạng hạt siêu nhỏ trong không khí, khác với loại bác sĩ đeo khi phẫu thuật.

Quân y tập hợp ở Vũ Hán

Avalon.red

Khi một bệnh nhân được xác nhận mắc bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ lan truyền dịch bệnh, đối tượng phải bị cách ly ở nhà hoặc tại bệnh viện. Trong trường hợp vi rút corona, người bệnh phải được đặt trong phòng áp suất âm, với cửa khóa chặt. Những dạng phòng này có thể kiểm soát luồng khí lưu nhằm ngăn chặn vi rút thoát ra ngoài.
Do vẫn còn có quá nhiều điều chưa biết rõ về năng lực lây lan của vi rút corona, các nhân viên y tế phải được “vũ trang” cẩn thận: khẩu trang đặc biệt, bộ đồ phòng hộ, kính bảo vệ mắt, để đảm bảo không bị lây nhiễm trong lúc tiếp xúc với bệnh nhân.

Chưa hạn chót cho cách ly?

Dựa trên các triệu chứng, bác sĩ sẽ quyết định cách ly bệnh nhân thời gian dài hay ngắn.
Mức độ truyền nhiễm của vi rút corona phụ thuộc vào các triệu chứng; liệu bệnh nhân vẫn còn bị sốt và ho hen, nhảy mũi hay không?”, theo một chuyên gia.

Cận cảnh phương tiện vận chuyển người bệnh viêm phổi Vũ Hán ở bệnh viện Mỹ

CDC

Vậy thì bệnh nhân phải ở bệnh viện trong bao lâu? Trước đây, điều đó phụ thuộc vào từng bệnh viện. Chẳng hạn, nếu bệnh cúm, người bệnh có thể bị cách ly khoảng 3 ngày hoặc cho đến khi mẫu lấy dịch mũi cho kết quả âm tính.

Khác với cách vận chuyển bệnh nhân ở Hồng Kông

Reuters

Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân nhiễm vi rút corona tại Mỹ, họ sẽ bị cách ly cho đến khi nào CDC cho phép rời khỏi, theo giới chuyên gia.

Rô bốt trị vi rút corona?

Ca nhiễm vi rút corona đầu tiên tại Mỹ, một người trong độ tuổi 30 gần Seattle, đang được điều trị chủ yếu thông qua rô bốt, theo Đài CNN.

Rô bốt đang được sử dụng trong phòng cách ly

CDC

Rô bốt được trang bị ống nghe và giúp bác sĩ thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe của người bệnh và “trò chuyện” với bệnh nhân thông qua một màn hình lớn, bác sĩ George Diaz, trưởng khoa truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Providence ở Everett, bang Washington cho biết.
“Y tá liên tục điều khiển rô bốt di chuyển trong phòng bệnh nên chúng tôi có thể nhìn thấy bệnh nhân qua màn hình và trao đổi với ông ta”, bác sĩ Diaz.
Việc đưa rô bốt vào phòng cách ly được cho làm hạn chế tối thiểu tiếp xúc của nhân viên y tế, giảm được nguy cơ lây nhiễm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.