Muôn kiểu lừa đảo đầu tư ở Malaysia

05/05/2017 08:33 GMT+7

Chính phủ Malaysia khuyến cáo người dân cảnh giác trước nguy cơ bị lừa gạt khi tham gia các chương trình “làm giàu nhanh chóng”.

Nhờ vào internet và công nghệ smartphone, nhiều chương trình nói trên được thiết kế tinh vi hơn, từ đầu tư ngoại hối cho đến vàng, dầu cọ tinh luyện và bán hàng đa cấp; tiếp tục dụ dỗ người dân Malaysia với lời hứa hẹn mang đến lợi nhuận cao, không rủi ro trong thời gian ngắn. Mặc dù nạn lừa đảo đầu tư đã được phản ánh trên báo đài từ lâu nhưng kể từ đầu năm đến nay, nhiều người ở Malaysia lẫn nước ngoài tiếp tục trở thành nạn nhân, mất trắng hàng tỉ ringgit.
“Siêu lợi nhuận”
Các kênh đầu tư không chính thống thường quảng cáo lợi nhuận hằng tháng trên 20% số tiền bỏ ra ban đầu, thậm chí 30% hay cao hơn. Các số liệu cho thấy có khoảng 400 chương trình đầu tư siêu lợi nhuận mờ ám đang được quảng bá ở Malaysia.
Trong một vụ lừa đảo đầu tư gây chấn động dư luận Malaysia hồi tháng 2.2017, cảnh sát đã bắt một cặp vợ chồng 30 - 31 tuổi cùng hai đối tượng khác lừa đảo ít nhất 1.000 nạn nhân với số tiền 55 triệu ringgit (gần 13 triệu USD). Ông Supt Mazelan Paijan, Phó giám đốc Phòng Điều tra tội phạm kinh tế cảnh sát bang Selangor (SC), cho hay cảnh sát tiến hành điều tra và bắt giữ các đối tượng này sau khi nhận được đơn tố cáo từ hàng chục nạn nhân. Cặp vợ chồng kêu gọi nhiều người rót vốn vào thực hiện hợp đồng may quân phục cho Bộ Quốc phòng, lợi nhuận trên 30%/tháng, nhưng cuối cùng tiền lãi không có và tiền vốn cũng mất trắng.
Tính đến ngày 24.2, Ngân hàng Trung ương Malaysia liệt 288 pháp nhân và cá nhân vào danh sách đen, khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng; SC cũng đưa ra số liệu tương tự. Danh sách đen được công bố trên website của hai cơ quan này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc bẫy vì thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, chẳng hạn vụ việc liên quan đến Công ty Từ Nghèo Thành Giàu (JJPTR).
JJPTR hoạt động hơn hai năm qua với nhiều chương trình mua bán ngoại tệ kiếm lời, nhưng gần đây mới bị liệt vào danh sách cảnh báo của Ngân hàng Trung ương Malaysia. Công ty hứa hẹn người tham gia sẽ có lợi nhuận từ 20% trở lên, nên thu hút nhiều người đầu tư ở Malaysia và cả nước ngoài như Trung Quốc, Canada và Mỹ. Người tham gia hám lợi dụ dỗ thêm người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp rót tiền vào để được cộng điểm và tăng lãi suất (còn gọi là hình thức đa cấp hay hình tháp ảo). Nhưng giờ đây các nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tiền vốn sau khi nhà sáng lập JJPTR Johnson Lee xuất hiện trong một đoạn video lan truyền trên mạng, tuyên bố tin tặc tấn công sàn giao dịch trên mạng làm “thất thoát” trên 50 triệu USD.
Đánh vào lòng tham
Các cá nhân và tổ chức lừa đảo thường đánh vào lòng tham, tổ chức những buổi hội thảo rồi thuyết giảng về đầu tư siêu lợi nhuận để trở thành đại gia sau vài tháng. Trả lời phỏng vấn The Star, chuyên gia Jeremy Tan thuộc Công ty tư vấn tài chính Jeremy Tan cho biết: “Nhiều người vẫn còn bị sập bẫy với suy nghĩ người khác kiếm tiền dễ dàng, tại sao mình không thử. Nạn lừa đảo tồn tại song song với lòng tham… Bên cạnh đó, đa số nạn nhân không tìm hiểu kỹ thông tin, phớt lờ khuyến cáo từ cơ quan chức năng và rót tiền đầu tư khi chỉ dựa vào lời khuyên của bạn bè”.
Nhiều người Trung Quốc cũng đổ xô đến Malaysia đầu tư vàng “lãi suất cao”. Bộ trưởng Giao thông Liow Tiong Lai, người giữ chức Chủ tịch đảng Công hội người Hoa Malaysia (MCA), khuyến cáo: “Lãi suất 10%/tháng là đáng nghi, có thể đây là bẫy hoặc lừa đảo. Mọi người đừng tham lam để rồi phải hối hận vì bị lừa”.
Mô hình hoạt động của các chương trình lừa đảo khá giống nhau, theo ông Tan. Các đối tượng dụ dỗ người tham gia bỏ càng nhiều tiền thì càng có lãi suất cao. Nhưng cuối cùng nhà đầu tư này mất trắng khi các đối tượng lừa đảo đột nhiên mất tích hoặc công ty tuyên bố phá sản hay sàn giao dịch trên mạng đóng cửa. Các chuyên gia tài chính Malaysia cũng lưu ý không có chương trình đầu tư chính thống, hợp pháp nào có thể mang đến siêu lợi nhuận chỉ trong vòng vài tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.