Một phần Vạn Lý Trường Thành được xây lên chỉ để thu thuế?

09/06/2020 10:06 GMT+7

Một phần phía bắc Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc được xây dựng không phải để ngăn chặn quân xâm lược mà nhằm theo dõi hoạt động dân sự, theo nghiên cứu mới công bố.

Các nhà nghiên cứu Israel, Mông Cổ và Mỹ lần đầu tiên lập bản đồ hoàn chỉnh Tuyến phía Bắc dài 740 km của Vạn Lý Trường Thành và phát hiện của họ đi ngược những giả thuyết trước đây, theo AFP.
"Trước đây, đa số các chuyên gia cho rằng mục đích của Vạn Lý Trường Thành là nhằm ngăn chặn lực lượng của Thành Cát Tư Hãn", ông Gideon Shelach-Lavi, trưởng nhóm nghiên cứu-nhà khảo cổ học thuộc Đại học Hebrew (Israel), cho biết vào ngày 9.6.
Tuy nhiên, Tuyến phía Bắc nằm chủ yếu ở phía Mông Cổ và có chiều cao tương đối thấp. Điều này thể hiện chức năng phi quân sự, theo ông Shelach-Lavi.
“Chúng tôi kết luận Tuyến phía Bắc phục vụ mục đích giám sát hoặc ngăn chặn hoạt động di chuyển của người dân và việc vận chuyển gia súc, có thể là đánh thuế họ", ông Shelach-Lavi lưu ý.
Công trình xây dựng Vạn Lý Trường Thành được chia thành nhiều phần có tổng chiều dài hàng ngàn km. Trung Quốc bắt đầu xây dựng Vạn Lý Trường Thành vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và tiếp tục trong nhiều thế kỷ.
Tuyến phía Bắc, còn được gọi là "Bức tường Thành Cát Tư Hãn", được xây dựng bằng đất nện với 72 cấu trúc từ thế kỷ 11 đến 13.
Nhóm nghiên cứu đã dùng máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh với độ phân giải cao cùng các công cụ khảo cổ truyền thống để lập bản đồ Tuyến phía Bắc.
Ông Shelach-Lavi cho hay các nhà khoa học đương đại bỏ qua đã bỏ qua Tuyến phía Bắc của Vạn Lý Trường Thành. Nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí Antiquity.

Sửa Vạn lý trường thành, Trung Quốc chỉ có biện pháp thô sơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.