'Mồi lửa' tiềm tàng xung đột ở phía bắc Biển Đông

25/01/2021 07:00 GMT+7

Nằm ở phía bắc Biển Đông và đang do Đài Loan kiểm soát, quần đảo Đông Sa thời gian qua gây nhiều chú ý vì những diễn biến quân sự căng thẳng xung quanh quần đảo này.

Tối qua 24.1, Reuters đưa tin khoảng 15 máy bay quân sự của Trung Quốc đại lục, trong đó có 12 chiến đấu cơ, cùng ngày 24.1 đã xâm nhập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Số máy bay này đã bay qua vùng trời giữa đảo Đài Loan và quần đảo Đông Sa (Pratas).

Bắc Kinh liên tục xâm nhập

Động thái trên diễn ra sau khi Mỹ cũng trong ngày 24.1 đã lên tiếng cảnh báo yêu cầu Bắc Kinh không đe dọa Đài Bắc. Phản ứng này của Mỹ nhằm chỉ trích việc Trung Quốc đại lục đã điều động 8 máy bay ném bom H-6K, 4 chiến đấu cơ J-16 và 1 máy bay săn ngầm Y-8 ngày 23.1 tiến vào phía tây nam ADIZ của Đài Loan. Các máy bay cũng đi qua khu vực Pratas.

Bắc Kinh sớm “thử lửa” ông Biden

Thời gian đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Trung Quốc sẽ có hành động ở khu vực để thử xem phản ứng của tân chính quyền ở Washington. Biển Đông hoặc Đài Loan có thể là nơi mà Bắc Kinh chọn để gây rối cho mục đích trên.
Tuy nhiên, sắp tới là dịp kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời, nên Bắc Kinh sẽ cân nhắc về động thái “thử lửa” để đảm bảo phải giành thắng lợi, vì nếu thất bại thì sẽ tổn hại. Cho nên, Trung Quốc cũng có thể chỉ tiến hành thử tên lửa chống hạm, hoặc dùng tàu quấy phá tàu Mỹ ở khu vực.  
 TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Gần đây, Trung Quốc đại lục liên tục điều động chiến đấu cơ tiếp cận khu vực Pratas nói riêng và ADIZ của Đài Loan nói chung. Ngày 20.1 khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, Trung Quốc đại lục đã điều động máy bay trinh sát Y-8 xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Theo phía Đài Bắc, chiếc máy bay này đã xâm nhập vào góc phía tây của quần đảo Đông Sa.
Trước đó, CNA đưa tin chỉ trong tháng 12.2020, Trung Quốc đại lục đã có 19 lần xâm nhập ADIZ của Đài Loan và Pratas là một trong các mục tiêu bị hướng đến thường xuyên. Trong đó, nhiều lần máy bay trinh sát Y-8 được triển khai đến quần đảo Đông Sa thì có cả các phiên bản chống ngầm và tác chiến điện tử.
Tình hình quanh Pratas đã căng thẳng trong nhiều tháng qua. Hồi tháng 8.2020, tờ South China Morning Post đưa tin Đài Loan vừa điều động 200 binh sĩ thủy quân lục chiến khẩn cấp tới quần đảo Đông Sa.
Động thái này diễn ra sau khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy xe bọc thép đổ bộ Type-05, các hệ thống tên lửa - pháo phản lực đa nòng PHL-16 và PCL-191 đã được điều động đến Chiến khu miền đông của Trung Quốc. Chiến khu miền đông chịu trách nhiệm khu vực eo biển Đài Loan, nên các loại vũ khí trên được cho là hướng vào Đài Bắc.
“Mồi lửa” tiềm tàng xung đột ở phía bắc Biển Đông

Lược đồ vị trí quần đảo Đông Sa

Đồ họa: H.Đ

Vị trí chiến lược

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng có nhiều lý do khiến cho quần đảo này có vai trò quan trọng như một tiền đồn mà cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều muốn kiểm soát.
Đông Sa nằm ở rìa phía nam trong chiến lược vành đai bảo vệ mà Đài Bắc xây dựng nhằm ngăn chặn từ xa lực lượng quân sự của Trung Quốc đại lục trong trường hợp hai bên bùng nổ chiến sự. Ngược lại, với Bắc Kinh thì Đông Sa là bàn đạp có thể dùng để đổ bộ lên phía nam Đài Loan.
Không những vậy, với Bắc Kinh, Đông Sa cũng là khu vực ngăn chặn các hoạt động giữa Đài Loan với Hồng Kông.
Ngoài ra, Đông Sa án ngữ ở vị trí cửa ngõ kênh Ba Sĩ vốn nằm trên hải trình mà hải quân Trung Quốc thường sử dụng để tiến về khu vực tây Thái Bình Dương hoặc băng xuống Biển Đông rồi hướng đến nam Thái Bình Dương.
Vào tháng 4.2020, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đi qua kênh Ba Sĩ để tiến về phía nam của Biển Đông. Chính vì thế, nếu kiểm soát được Đông Sa, hải quân Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương mà các bên khác khó có thể theo dõi.
Từ thực tế có vị trí mang tính tiền đồn quan trọng, nên Đông Sa trở thành điểm nóng khi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.