Mối đe dọa từ một cuộc đào thoát

11/02/2006 20:37 GMT+7

Vụ vượt ngục của 23 tù nhân tại Yemen đã khiến cả thế giới lo ngại. Lo ngại bởi một số kẻ trốn thoát là chuyên gia tổ chức tấn công tầm cỡ của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Chiến dịch săn lùng toàn cầu

Ngay sau vụ một đám tù nhân trốn khỏi trại giam ở thủ đô Sana'a, Yemen vào ngày 3/2, lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol đã báo động đỏ. Phát ngôn viên tại tổng hành dinh của Interpol ở Lyon (Pháp) cảnh báo: "Vụ vượt ngục đã đặt tất cả các quốc gia trên thế giới vào tình trạng bị đe dọa. Nếu Interpol không báo động đỏ và cộng đồng quốc tế không cam kết săn đuổi, những kẻ vượt ngục sẽ dễ dàng tới được nhiều nước để lẩn trốn và tiếp tục tham gia vào hoạt động khủng bố trong tương lai". Tổng thư ký Interpol R.Noble cho rằng cuộc vượt ngục này "không còn là vấn đề nội bộ của Yemen". Ngay lập tức, Interpol đã mở một chiến dịch săn lùng trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức này cho biết đã chính thức đề nghị cảnh sát 184 nước thành viên thu thập thông tin tình báo hỗ trợ cho việc truy bắt.

Mỹ cũng bày tỏ "tâm trạng lo ngại đặc biệt" trước sự cố tại Yemen. Bắt đầu từ hôm thứ năm, hải quân nước này đã gửi nhiều tàu chiến tới tuần tra vùng biển xung quanh quốc gia vùng Tây Nam Á. Đội ngũ tàu chiến này nằm trong lực lượng do Hà Lan chỉ huy, đang hoạt động tại vùng biển quốc tế ở vịnh Oman, phía bắc biển Ả Rập và một số khu vực lân cận. Theo phát ngôn viên H.Josey của hải quân Mỹ, tàu chiến nước này được điều đến nhằm phá âm mưu tấn công khủng bố cũng như ngăn chặn những kẻ vượt ngục chạy trốn bằng đường biển. Vào thời điểm hiện tại, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ cùng với 7.500 lính thủy cũng đang có mặt trong khu vực.

"Vết thương" của USS Cole. Ảnh: Globalsecurity.org

Song song với chiến dịch truy bắt, giới chức Nhà Trắng cũng bày tỏ sự không hài lòng trước việc chính quyền Yemen giam những tù nhân "đặc biệt" này chung một nơi để chúng có thể cùng nhau vạch kế hoạch đào thoát. "Tôi thấy rằng diễn biến tại Yemen không những đáng thất vọng mà còn khiến chúng tôi hết sức lo ngại, nhất là việc để cho những kẻ bị giam giữ có nhiều cơ hội", bà F.Townsend, Trợ lý an ninh nội địa và chống khủng bố của Tổng thống G.Bush lên tiếng. Bà này còn nói rằng "đồng minh của Mỹ tại Ả Rập Xê Út cũng đang đối đầu với một nguy cơ rất lớn". Cùng với lực lượng hải quân, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đã vào cuộc. Một chiến dịch truy bắt quy mô đã được triển khai, nhưng việc tìm ra những kẻ trốn ngục vẫn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Những kẻ vượt ngục

Những kẻ trốn thoát khỏi nhà tù tại Sana'a có "tầm vóc" như thế nào mà lại khiến cộng đồng quốc tế lo ngại đặc biệt? Để có câu trả lời, xin hãy trở lại vụ tấn công tàu chiến USS Cole của Mỹ vào năm 2000.

Sáng 12/10/2000, tàu USS Cole tới cảng Aden của Yemen để tiếp nhiên liệu. Tàu thả neo vào lúc 9h30 và sau đó khoảng 1 giờ thì bắt đầu bơm dầu. Lúc 11h18, có một chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ tiến lại gần. Sau tiếng nổ long trời lở đất, thân chiếc tàu chiến khổng lồ của Mỹ bị khoan một lỗ sâu hoắm, 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 người bị thương. Thực ra, lực lượng quân sự trên USS Cole hoàn toàn có thể chặn được vụ tấn công này bởi họ đã phát hiện chiếc thuyền đánh bom tự sát trước khi nó đến được mục tiêu. Tuy nhiên, nguyên tắc giao chiến do Lầu Năm Góc thông qua đã không cho phép các tay súng của USS Cole nã đạn vào chiếc thuyền chở chất nổ khi nó tiến đến gần tàu mà không được sự cho phép. Hạ sĩ quan hải quân J.Washak, người bị thương trong vụ tấn công nói trên, giải thích: "Nguyên tắc giao chiến không cho phép chúng tôi nổ súng khi chưa bị đối phương bắn. Trong quân đội, dường như chúng tôi phải học cách do dự. Nếu một ai đó phát hiện điều đáng ngờ và nhả đạn, anh ta chắc chắn sẽ gặp rắc rối".

J.al-Badawi - nhân vật nguy hiểm trong cuộc vượt ngục vừa qua. Ảnh: AP

Ngay cả sau khi vụ tấn công xảy ra, khi Washak chĩa khẩu súng máy M-60 về phía một chiếc thuyền nhỏ đang chạy gần tàu USS Cole, anh ta cũng bị thượng cấp nhắc nhở không được bắn. Nhiều người cho rằng chính sự do dự kiểu này đã khiến chiếc tàu chiến USS Cole bị tấn công. Tuy nhiên, cuộc điều tra sau đó đã kết luận rằng các chỉ huy trên tàu USS Cole có lý do chính đáng trong quyết định không nổ súng.

Sau khi dính đòn tại cảng Aden, Mỹ đã triển khai một chiến dịch truy quét. Vào tháng 3/2002, một máy bay không người lái của CIA đã nã tên lửa AGM-114 Hellfire trúng chiếc xe đang chở A.alHarithi, một kẻ bị tình nghi tham gia vào âm mưu tấn công tàu USS Cole. Sự kiện này xảy ra ngay trên lãnh thổ Yemen và dường như được chính phủ nước này hỗ trợ. Cơ quan điều tra cũng đã đi đến kết luận rằng vụ tấn công USS Cole do mạng lưới al-Qaeda tổ chức với 2 kẻ đánh bom tự sát là I.al-Thawr và A.al-Misawa. Một trong những kẻ đứng ra tổ chức vụ này là J.al-Badawi sau đó đã bị bắt và bị tòa án tại Yemen kết án tử hình vào ngày 29/9/2004. Tuy nhiên, trong khi chưa đến ngày hành quyết, al-Badawi đã tổ chức một cuộc vượt ngục táo tợn hôm 3/2 vừa qua. Trốn thoát với y trong dịp này còn có J.Elbaneh - kẻ mang quốc tịch Mỹ bị kết án vì đã tham gia trại huấn luyện của al-Qaeda ở Afghanistan. Nhà chức trách Yemen cho biết trong số trốn tù hôm 3/2, có 13 kẻ liên quan đến vụ tấn công tàu USS Cole và vụ đánh bom tàu chở dầu Limburg của Pháp hồi năm 2002 khiến 1 người chết và làm chảy 90.000 thùng dầu xuống vịnh Aden. Chính "tầm cỡ" của những nhân vật này mà cuộc đào thoát tại Sana'a khiến thế giới đặc biệt lo ngại.

Cuộc vượt ngục táo tợn

Kế hoạch chạy trốn của 23 tù nhân tại Sana'a được xây dựng rất công phu. Từ một phòng giam, đám tù nhân đã đào đường hầm dài khoảng 140m dẫn tới một đền thờ Hồi giáo. Sau khi đường hầm hoàn tất, bọn chúng đã thoát ra và trà trộn vào đám đông vừa rời đền thờ sau buổi cầu nguyện. Cảnh sát Yemen đã thiết lập hàng loạt trạm kiểm soát khắp thành phố Sana'a và khu vực lân cận để chặn bắt đám vượt ngục nhưng bất lực. Người ta lo ngại al-Badawi đã cùng đồng bọn trốn chạy tới khu vực của các bộ lạc miền núi, nơi lâu nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Yemen. Nếu đúng như vậy, các phần tử tay chân của al-Qaeda này đã có chỗ nương náu an toàn trước khi chạy ra nước ngoài hoặc vạch âm mưu tấn công mới.

Trong khi chiến dịch truy bắt vẫn tiếp diễn thì một trong những điều mà người ta quan tâm nhất là làm sao đám tù nhân có thể thực hiện cuộc vượt ngục quy mô đến thế. Rõ ràng, với sức lực của 23 tù nhân, thật khó có thể đào được một đường hầm dài với độ chính xác gần như hoàn hảo. Trong vụ vượt ngục này, chắc chắn có rất nhiều người bên ngoài cũng như trong nhà tù tiếp tay. Cơ quan điều tra Yemen đã tiến hành bắt giữ và thẩm vấn khoảng 80 người, gồm các nhân viên quản tù, người thân của đám tội phạm và một số nhân vật tình nghi khác. Theo một quan chức Yemen giấu tên thì một số nhân viên quản tù tại Sana'a đã cung cấp cho đám tù nhân dụng cụ đào hầm và thông tin về tình trạng an ninh xung quanh để phục vụ cho cuộc đào thoát. Ông này còn chĩa sự nghi ngờ vào lực lượng tình báo: "Vụ chạy trốn không thể trót lọt được nếu không có sự tiếp tay của một số nhân vật cộm cán trong lực lượng tình báo".

Việc nhóm tù nhân có quan hệ với al-Qaeda được một số nhân vật nằm trong lực lượng an ninh hỗ trợ có một nguyên nhân sâu xa. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, rất nhiều tay súng Yemen đã tới Afghanistan để tham gia lực lượng nổi dậy. Sau khi trở về, không hiểu vì lý do gì mà có hàng trăm tay súng được tuyển vào lực lượng an ninh. Vì thế, không quá khó hiểu khi một số người trong lực lượng an ninh quốc gia lại hợp tác với al-Qaeda. Người ta nghi ngờ rằng, việc nhốt chung các tù nhân "đặc biệt" này trong cùng một xà lim là một kế hoạch được vạch sẵn. Nếu đúng như vậy, chiến dịch truy bắt những kẻ đào thoát sẽ trở nên khó khăn bội phần.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.